Ngọt ngào mùa mía đường Quế An

Thứ Bảy, 21/03/2020, 20:38

Tháng ba, khi ánh nắng tươi rói tỏa khắp triền nương, cũng là lúc người dân vùng trung du Quế An (huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) bắt đầu vụ thu hoạch mía. Đó cũng là lúc nhiều người ở phố tìm về ký ức bên những lò mía đường thôn quê…



Là một vùng bán sơn địa, không chủ động được nước tưới nên vùng quê Quế An không có nhiều diện tích để trồng lúa nước. Người dân tận dụng đất vườn, đất đồi nương để trồng cây lâm nghiệp, cây công nghiệp ngắn ngày, trong đó có mía.

Cây mía dễ trồng, chịu được khô hạn không tốn nhiều công chăm sóc. Mía lớn tự nhiên, rắn rỏi như những đứa trẻ con nhà nghèo.

Lò nấu đường thủ công của ông Nhân được dựng lên cạnh con đường làng

Cây mía gắn bó với người dân vùng đất Điện Bàn, Quế Sơn hay Hiệp Đức… từ lâu đời, trở thành một loại cây trồng thân thuộc, đã đi vào thơ ca.

Cùng với việc cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng cho các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, cây mía cũng gắn liền với những xe nước mía ngọt mát giải nhiệt mùa hè, gắn liền với những lò đường thủ công truyền thống như một  nét đẹp dung dị của vùng quê xứ Quảng.

Mía được ép bằng mô tơ động cơ diesel thay cho sức trâu kéo ngày trước

Sớm mồ côi cha, từ nhỏ ông Nguyễn Văn Nhân (61 tuổi) trú thôn 2, xã Quế An đã theo các các chú, các anh trong xóm đi róc mía, phụ việc cho các lò đường thủ công. Năm 18 tuổi, ông tự tay dựng riêng một lò nấu đường ngay trước nhà. “Ngày trước trong vùng nhiều mía lắm. Lại chưa có nhà máy chế biến nên mía thu hoạch được hầu hết đều ép, nấu đường thủ công. Lò mía nhà tôi đỏ lửa đến 6-7 tháng trong năm. Giờ mía ít, nên mùa vụ thường chỉ kéo dài một tháng”.

Bã mía được sử dụng làm nguyên liệu đốt lò

Cứ đến tháng ba, con đường bê tông nhỏ chạy ngang qua lò đường của ông Nhân tấp nập hẳn lên. Không chỉ người dân Quế An, người trồng mía xã Quế Ninh (huyệ Quế Sơn), xã Bình Lâm (huyện Hiệp Đức) và các khu vực lân cận cũng chở mía đến nhờ nấu đường. Bà con xóm giềng và chủ mía cùng góp sức, góp công giúp vợ chồng ông Nhân. Cụ Lê Thị Nguyên, mẹ ông Nhân, dù đã hơn 90 tuổi vẫn ra phụ giúp khuấy đường, róc mía.

Một chu trình nấu đường thường kéo dài hơn 1h30 phút

Trước đây, việc ép mía phải dựa vào sức trâu kéo. Những năm gần đây, các chủ lò đều sử dụng động cơ máy nổ nhưng nghề nấu mía đường vẫn khá là vất vả, nặng nhọc. Nhưng công việc này đã giúp ông Nhân lo được cho con cái học hành, thành đạt. Dân gian có câu “Tam nam bất phú”, nhưng bằng sự chăm chỉ, chịu khó, thuận vợ thuận chồng, ông Nhân đã nuôi nấng, dạy dỗ cả ba người con trai nên người, được xóm giềng, họ hàng yêu mến.

Khuấy đường cho nguội trước khi rót vào bát

Tại xã Quế An, ngoài lò đường thủ công của ông Nhân, còn có lò đường của ông Hai Thiếp ở thôn 1, của anh Sinh ở thôn 4.
Cụ Nguyên hơn 90 tuổi nhưng rất thích phụ giúp con cháu

Theo thông lệ, chủ mía không trả công bằng tiền mà trả công cho chủ lò bằng 35-38% khối lượng thành phẩm. Bác Hoàng Trọng Kim, một nông dân xã Quế Ninh cho biết gia đình có 2 sào mía (mỗi sào 500m2). Gia đình bác tự thu hoạch và dùng xe bò chở đến lò của ông Nhân để nấu đường. 

Bình quân mỗi sào mía, qua nấu thủ công sẽ thu được khoảng 30 cặp đường (60 bát). Mỗi cặp đường, nếu bán lẻ là 50 ngàn đồng, bán sỉ cho thương lái chỉ được 40 ngàn đồng. Với 2 sào mía, sau khi trừ công cho chủ lò, gia đình chỉ còn lại khoảng 47-48 cặp đường, với giá bán sỉ chưa đến 2 triệu đồng. 
Ông Nhân rót đường vào bát, thuần thục và điệu nghệ
Chừng đó không đủ cho cây giống, ngày công trồng trọt, thu hoạch. “Trồng mía với diện tích nhỏ lẻ như tui thì chỉ lấy công làm lời. Nhưng bà con tui vẫn trồng mía để không bỏ phí đất, và tết nhứt cũng có bát đường để làm bánh in, bánh tổ”- bác Kim chia sẻ.

Những lò nấu đường thủ công là một phần ký ức, một phần tuổi thơ của những người thế hệ 7x, 8x trở về trước. Đến mùa nấu đường, rất nhiều người ở thành phố, ở các nơi xa đưa con cháu ghé chơi để sống lại những ngày tuổi thơ xúm xít bên lò đường. Hồi đó đi học về ngang qua chảo đường thơm ngát đang chín tới, hít một hợi dài, nghe vị ngọt thấm tận tâm can. 

Chủ mía, chủ lò mến trẻ, cho khúc mía khấy vào chảo đường. Lớp đường non vàng ươm, trong suốt bám vào khúc mía. Lấy tay gỡ từng chút cho vào miệng. Miếng đường non vừa dẻo, vừa ngọt, vừa thanh, ăn hoài chưa chán.


Nhúng bánh tráng vào chảo đường đang sôi
Nướng bánh tráng giúp khách

Thấy khách đến thăm lò đường, vợ bác Kim hỏi có ăn đường non thì tìm lon, tìm bẹ chuối mà lấy. Còn muốn ăn bánh tráng nhúng đường, thì mua bánh tráng tới mọi người nướng giúp rồi cho nhúng đường miễn phí...

Thưởng thức đường bát và bánh tráng nhúng đường còn nóng hổi

Nhai miếng bánh tráng giòn rụm, hòa quyện với lớp đường mỏng ngọt thanh, trong tâm trí lại hiện ra với cánh đồng mía bạt ngàn, với mùi đường non ngan ngát, với người dân quê nhân hậu, chân tình. Ôi chao là nhớ, là thương…



Thân Lai
.
.
.