Chuyện người quả lý:

Mua lại nợ xấu để cứu DN - nhìn từ hiện tượng Bianfishco

Thứ Năm, 10/05/2012, 22:25
Ngày 9/5, Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) tái hoạt động trở lại nhà máy chế biến thủy sản sau thời gian 3 tháng tạm ngưng hoạt động. Theo các chuyên gia kinh tế, sự “hồi sinh” của Bình An có thể xem là một tín hiệu lạc quan cho thấy, xu hướng mua lại “nợ xấu” để cứu doanh nghiệp (DN) không còn là lý thuyết mà đã thực sự được đi vào thực tế. Trong đó, có thể xem Bình An là một hiện tượng điển hình.
>>Vụ Bianfishco chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm

Hầu hết các chuyên gia kinh tế mà chúng tôi có dịp trao đổi đều thống nhất rằng, sở dĩ Bình An được chọn dựa vào 2 lý do cơ bản. Lý do thứ nhất là trong các khoản nợ xấu của Bình An, có một phần rất lớn là nợ nông dân -những người đã yêu cầu DN phải mở thủ tục phá sản để thanh toán nợ tồn đọng, đồng thời cũng là những đối tượng đang được hỗ trợ từ phía Chính phủ để đảm bảo đời sống, an sinh xã hội nhiều nhất.

Do đó, việc cứu Bình An (ở một góc độ nào đó cũng tức là cứu bà con nông dân, không để bà con phải thiệt thòi, thậm chí là phá sản theo DN và cũng chặn nguy cơ thất nghiệp cho hàng ngàn công nhân, người lao động) là việc rất được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Và lý do thứ hai, đồng thời cũng là lý do căn bản hơn cả là Bình An có đủ tiềm năng và thực lực để có thể “vực dậy” sau những khó khăn tạm thời bởi lẽ Bình An là một DN xuất khẩu thủy hải sản lớn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bình An có cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ tiên tiến, nhân công lao động thuần thục tay nghề và đặc biệt là đã xây dựng được một chuỗi cung ứng nguyên vật liệu-sản xuất-khai thác thị trường khá hoàn chỉnh. Trong đó, đáng chú ý là Bình An có nhiều đơn đặt hàng tới các thị trường lớn, được đánh giá là khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

Đây vốn là khâu quan trọng song lại đang là điểm yếu của nhiều DN thủy sản Việt Nam hiện nay. Do đó, nếu như được cấu trúc lại, được giải quyết nợ đọng, làm lành mạnh hóa tài chính và có một định hướng hoạt động hợp lý hơn thì sự hồi sinh của Bình An trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm tới là điều hoàn toàn có thể.

Cũng theo tính toán của các chuyên gia, việc tái cơ cấu lại Bình An trên thực tế không hề đơn giản. Tất cả mới chỉ là bước đầu và còn cả một chặng đường dài phía trước. Tuy nhiên, nếu việc mua lại nợ xấu để giải cứu Bình An thành công sẽ tạo ra một tiền lệ tốt, tăng thêm niềm tin cho DN. Hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều DN có tiềm lực nhưng lâm vào khó khăn tạm thời như Bình An sẽ được “cứu” bằng giải pháp này

Huyền Thanh
.
.
.