Mũ bảo hiểm rẻ... đắt hàng

Thứ Sáu, 24/08/2007, 15:00
Với tâm lý đội mũ chỉ để đối phó với bảo vệ của cơ quan và chỉ đội trong thành phố nên nhiều người Hà Nội mang tâm lý "không cần mua mũ bảo hiểm tốt". Điều này vô hình trung đã giúp mũ bảo hiểm rẻ, kém chất lượng "tung hoành" trên thị trường Thủ đô.

àng đến gần ngày bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 18 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện đội mũ bảo hiểm trên mọi tuyến đường, thị trường mũ bảo hiểm càng có nhiều dấu hiệu tiêu cực.

Ngoài tình trạng bán giá cao, những chiếc mũ bảo hiểm nhái được bày bán tràn lan với giá rẻ nhưng bèo. Người bán chẳng cần giấu giếm nguồn gốc, còn một số người mua sẵn tâm lý đội mũ bảo hiểm để đối phó, họ thà mua rẻ chứ không dùng hàng tốt.

Đổi 30.000 đồng lấy nguy cơ chấn thương sọ não(?!)

Chỉ trong 1 tuần trở lại đây, trên địa bàn Hà Nội đã phát hiện có 5 vụ buôn bán, vận chuyển mũ bảo hiểm giả. Mới đây nhất, trong hai ngày liên tiếp 20 và 21/8 đã có hai vụ buôn bán, vận chuyển mũ bảo hiểm với số lượng lớn bị phát giác.

Ngày 20/8, Đội Quản lý thị trường số 1 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an TP Hà Nội đã phát hiện vụ vận chuyển 600 mũ bảo hiểm mang nhãn hiệu Amaro nhập lậu từ Trung Quốc, nhái nhãn hiệu Amoro.

Số mũ này đang được chuẩn bị chuyển xuống Hải Phòng tiêu thụ. Cơ quan chức năng còn chưa kịp hoàn thiện hồ sơ xử lý thì ngày 21/8, lực lượng Quản lý thị trường và Công an Hà Nội lại phát hiện 680 chiếc mũ Amoro giả tại kho của hợp tác xã vận tải phố Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai) định mang lên Cao Bằng tiêu thụ.

Đa dạng mặt hàng mũ bảo hiểm.

Điều đáng nói là chất lượng những chiếc mũ này được làm bằng nhựa cứng, rất dễ vỡ. Chúng chỉ có tác dụng như một chiếc mũ che nắng chứ không có tác dụng bảo vệ người sử dụng khi có va đập.

Sáng 23/8, khảo sát tại các phố lớn chuyên bán mũ bảo hiểm như phố Huế, Nguyễn Văn Cừ, chúng tôi thấy các loại mũ bảo hiểm giả, nhái của các thương hiệu lớn được bày bán khá công khai và nhiều hơn cả mũ thật.

Hiện trên thị trường có khoảng 10 nhãn hiệu mũ bảo hiểm được ưa chuộng là Protex, Amoro, Honda, Luckystar, Longhuei, Azura... nhưng loại mũ được làm giả nhiều nhất là Honda và Amoro.

Hỏi mua một chiếc mũ bảo hiểm nhái của Honda không có kính chắn, chúng tôi khá bất ngờ vì chúng được bán rẻ gấp 4-5 lần những chiếc mũ chính hãng, chỉ dao động từ 25.000-30.000 đồng. Sờ vào lớp nhựa của chiếc mũ thấy ráp tay chứ không trơn nhẵn như mũ thật.

Tò mò, tôi vạch thử lớp vải nhựa bao quanh phía trong mũ thì thấy có một lớp bọt biển mỏng dính gắn lỏng lẻo với lớp nhựa. Người bán hàng có cách tiếp thị khá "độc đáo": "Đi trong nội thành thì cần gì mũ chắc, em cứ đội mũ này vừa rẻ, vừa thoáng mát".

Chị cho biết thêm, bán mũ bảo hiểm giả vốn ít, lại đông khách mua, giờ trung bình mỗi ngày chị cũng bán được từ 20 đến 30 chiếc mũ loại giá vài chục ngàn. Những chồng mũ bảo hiểm giả được nhét trong bao tải dứa, trong hộp các tông giấu trong nhà, người bán thường chỉ bày ra chào hàng 5-6 chiếc treo trên kệ.

"Nhà nào ở dãy phố này chẳng bán mũ bảo hiểm Trung Quốc, ở đây chị còn nói thật, chứ em đi hàng khác có khi lại phải mua mũ giả với giá mũ chính hãng đấy", chị nài nỉ.

Những loại mũ bảo hiểm chính hãng có giá cao do phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật. Mũ bảo hiểm của Honda là 160.000 đồng/chiếc, của Protex là 155.000 đồng/chiếc. Mặc dù biết mũ giả chất lượng không tốt nhưng loại mũ này vẫn được một số khá đông người mua lựa chọn.

Chị Ngọc Lê (Gia Lâm), một khách hàng cho biết: "Tôi chỉ đội mũ trong thành phố thôi mà, có đi đâu xa đâu mà cần mua mũ tốt làm gì cho tốn tiền. Mà có khi mua mũ rồi cũng chỉ treo ở xe, chứ đi đường đội làm gì cho vướng. Gần đến cơ quan mới cần đội để bảo vệ kiểm tra thôi".

Tâm lý này không chỉ có ở chị Lê mà nhiều người dân cũng tỏ ý đồng tình. Điều này vô hình trung đã tạo ra cho thị trường mũ rẻ, kém chất lượng được "tung hoành". Trước nhu cầu tiêu thụ loại mũ này khá cao nên các vụ buôn bán mũ bảo hiểm giả và nhái từ Trung Quốc vào các tỉnh phía Bắc ngày càng gia tăng.

Sẽ thường xuyên kiểm tra chất lượng các loại mũ bảo hiểm trên thị trường

Không chỉ các loại mũ bảo hiểm nhái, mũ giả mới có vấn đề về chất lượng. Theo khảo sát của Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) trong tháng 7 vừa qua với trên 18 loại mũ bảo hiểm đang lưu hành trên thị trường, có tới 13 loại có vấn đề về chất lượng.

Chính vì vậy, theo đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cuối tháng 8, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổng kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm xe máy đang lưu hành trên thị trường toàn quốc và công bố rộng rãi đến người tiêu dùng.

Trong buổi trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa (Bộ Khoa học và Công nghệ) giải thích rất cặn kẽ: "Theo quy định, mũ bảo hiểm sản xuất trong nước cần ghi rõ đầy đủ tên cơ sở, dấu hiệu công bố hợp chuẩn Việt Nam TCVN  5756:2001, địa chỉ nơi sản xuất. Nếu là mũ nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng và chứng nhận phù hợp với TCVN 5756:2001".

Từ năm 2005 đến nay, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã thực hiện kiểm tra 12 lô hàng mũ bảo hiểm nhập khẩu của 6 đơn vị với số lượng 21.526 chiếc có xuất xứ Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan.

Kết quả có 9 lô đạt, số lượng 8.826 chiếc; 3 lô không đạt với số lượng 12.700 chiếc (trong đó có 11.600 chiếc xuất xứ Trung Quốc).Vẫn biết, khi nhu cầu mua mũ bảo hiểm lớn thì việc xuất hiện nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ xảy ra.

Tuy nhiên, làm thế nào để hạn chế tình trạng này lại rất khó. Ngoài việc cần có sự phối hợp đồng bộ của các Bộ, ngành, ý thức tự giác của người kinh doanh và người dân thực sự đóng vai trò quan trọng

.
.
.