Kéo giảm thời gian xuất nhập khẩu hàng hoá: Một mình Hải quan khó thực hiện

Thứ Ba, 07/04/2015, 09:43
Để có thể kéo giảm tổng thời gian người dân, DN phải chờ đợi cho mỗi chuyến hàng xuất nhập khẩu, thì cần có sự phối hợp của cả chủ hàng, chủ cảng cũng như chủ DN giao nhận, vận tải…

Theo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh, kết quả đo thời gian trung bình từ lúc nhà nhập khẩu đăng ký mở tờ khai hải quan điện tử, đến khi thông quan hàng hóa hiện đã giảm rất mạnh. Cụ thể, thời gian từ lúc đăng ký tờ khai đến khi thông quan với hàng nhập khẩu hiện chỉ còn 34 giờ; thời gian thông quan với hàng hóa xuất khẩu từ lúc mở tờ khai đến khi hàng hóa được thông quan hiện đã được rút ngắn xuống còn 7 giờ.

Tuy vậy, trong một phát biểu của Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - ông Tất Thành Cang vào tháng 3 vừa qua, mặc dù thời gian làm các loại thủ tục hành chính đối với người dân, doanh nghiệp (DN), trong đó có thủ tục hải quan của TP Hồ Chí Minh đã thấp hơn cả nước, song thời gian thực tế thông quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại thành phố vẫn còn kéo dài đến 115 giờ, tương đương với 14 ngày làm việc và thời gian thông quan thực tế đối với hàng hóa xuất khẩu cũng còn mất đến 11 giờ.

Do đó, theo Phó Chủ tịch Tất Thành Cang, để tiếp tục tạo thuận lợi cho nhà nhập khẩu, thời gian thực tế làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại TP Hồ Chí Minh sẽ hướng đến mức bằng, hoặc vượt so với các nước trong khu vực ASEAN là 13 ngày làm việc.

Để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng Hải quan thường xuyên phải kiểm tra hàng hóa bằng biện pháp thủ công, nhất là với các lô hàng XNK có nhiều danh mục.   

Lý giải về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Bông, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1- Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cho biết, thực tế tại cảng Cát Lái tuy hằng ngày hải quan phải thực hiện hơn 1.000 tờ khai, nhưng thời gian làm thủ tục hải quan tốn rất ít. Đa số thời gian còn lại chủ hàng, DN vận tải phải dành để thực hiện các thủ tục giao, nhận, lên xuống hàng hóa với phía chủ cảng, hãng tàu, hoặc đại lý vận tải.

Hơn thế, hiện nay lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) được xếp vào luồng đỏ tại cảng Cát Lái vẫn còn chiếm trên 10%, trong khi công suất máy soi container của hải quan cảng chỉ đạt hơn 100 container/ngày do điều kiện kho bãi chật hẹp, rút container vận chuyển trong nội bộ cảng để soi chiếu gặp khó khăn.

Để tăng cường chống buôn lậu, ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, theo bà Bông, hải quan phụ trách cảng Cát Lái vẫn phải thực hiện kiểm tra thủ công. Tỷ lệ hàng hóa XNK thuộc luồng đỏ phải kiểm tra thủ công luôn ở mức 30 – 40%, thậm chí lên tới 50%. Do vậy, việc rút ngắn thời thông quan hàng hóa tại cảng Cát Lái, hiện chủ yếu phải trông chờ vào các khâu xếp dỡ hàng hóa lên xuống tàu, vận chuyển nội bộ trong khu vực cảng và các thủ tục giao, nhận hàng hóa trong cảng.

Muốn thực hiện được việc này, đầu tiên phải giảm tải, áp lực hàng hóa XNK đang tiếp tục dồn về cảng Cát Lái.

Để giảm tải cho cảng Cát Lái, thời gian qua Tổng cục Hải quan cũng đã cho phép cảng này và các hãng tàu được phép chuyển cảng từ Cát Lái sang Tân Cảng - Hiệp Phước để làm hàng. Song theo tìm hiểu của chúng tôi, số lượng tàu dời từ Cát Lái sang Tân Cảng - Hiệp Phước làm hàng để khỏi phải chờ đợi là không nhiều, chủ yếu do chủ tàu, chủ hàng ngại sang cảng mới.

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Tống Lê Dân, Phó Chi cục trưởng cho biết, mỗi ngày lực lượng Hải quan tại đây phải thực hiện trên 1.000 tờ khai hàng hóa XNK; tiếp nhận, làm thủ tục cho khoảng 180 chuyến bay quốc tế, với 24 ngàn hành khách. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhất cho hành khách, hàng hóa xuất nhập cảnh, hiện thời gian hàng hóa đi qua và dừng lại tại khu vực giám sát hải quan chỉ có 3 phút. Vì vậy công tác quản lý rủi ro được hải quan tại đây coi trọng, nhất là thông tin của DN và hành khách xuất nhập cảnh.

Trong khi đó, việc thu thập thông tin trước chuyến bay tuy đã được thực hiện, nhưng vẫn còn một số thông tin về hành khách chưa đáp ứng được những yêu cầu cụ thể của hải quan; hải quan mới chỉ có thông tin về hành khách, chưa có thông tin về số lượng hành lý do khách mang theo. Ngay cả với các chuyến bay trọng điểm, hải quan sân bay cũng chỉ có thông tin về khách nhập cảnh, chưa có thông tin về khách xuất cảnh và không có thông tin về hành trình nối tuyến, nối chặng bay của khách khi cần thu thập.

Do đó, theo ông Dân, Hải quan Tân Sơn Nhất rất mong nhận được nhiều thông tin hơn nữa về hoạt động của các đối tượng có hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại; đối tượng có dấu hiệu buôn bán và vận chuyển trái phép chất ma túy, do các cơ quan chuyên trách của nước ngoài cung cấp cho Việt Nam thông qua các thỏa thuận quốc tế, hay thỏa thuận song phương.

Với lực lượng Hải quan chuyển phát nhanh cũng vậy, dù hằng ngày đơn vị này phải làm thủ tục cho trên 10.000 thư, bưu kiện, bưu phẩm và các loại hàng hóa gửi theo đường chuyển phát nhanh quốc tế, nhưng trong khi địa bàn kiểm soát hải quan phân tán tại nhiều điểm; hàng hóa XNK chủ yếu thông qua DN bưu chính, DN chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục, hải quan không làm việc trực tiếp với người gửi, nhận hàng… nên việc kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường chuyển phát nhanh, bưu điện cũng được đặt lên hàng đầu.

Với đặc thù hàng hóa đi theo đường hàng không, thời gian kiểm soát hải quan phải nhanh và ngắn, nên việc rút ngắn hơn nữa là không hề đơn giản.

Để rút ngắn tối đa thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hóa XNK và hành khách xuất nhập cảnh, thời gian qua Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện kết nối với các ngân hàng thương mại và phía Kho bạc Nhà nước để có thể nhanh chóng cập nhật thông tin nộp thuế XNK của chủ hàng. Nhưng đến nay thời gian thực hiện các khâu, các loại thủ tục của Hải quan TP Hồ Chí Minh gần như đã được đơn giản và rút ngắn tối đa.

Vì vậy, để có thể kéo giảm tổng thời gian người dân, DN phải chờ đợi cho mỗi chuyến hàng XNK, thì cần có sự phối hợp của cả chủ hàng, chủ cảng cũng như chủ DN giao nhận, vận tải…

Đức Thắng - Lưu Hiệp
.
.
.