Một kiểu bán hàng ép khách

Thứ Tư, 27/01/2010, 08:41
Dùng ảnh hưởng để ép khách mua hàng, lì lợm tiếp cận để tiếp thị, quảng cáo… Hàng loạt thủ thuật bán hàng cuối năm được dịp bung ra, gây khó chịu cho người dân. Thậm chí, nhiều người bán hàng còn tìm đến cả cơ quan công quyền để ép mua, ép bán.

UBND xã cũng bị ép mua hàng, quảng cáo

Sau khi đặt máy kết thúc một cuộc đàm thoại, một Bí thư Đảng ủy xã ngoại thành Hà Nội than thở với tôi: "Ngày nào cuối năm cũng phải nghe điện thoại bán hàng kiểu này".

Rồi ông kể, hầu như ngày nào ông cũng bị gọi điện mời mua hàng. Vừa rồi, một cậu giới thiệu là người của một cơ quan truyền thông, bán phần mềm pháp luật. Ông trả lời không mua thì bị cậu ta quấy rầy hết ngày này qua ngày khác. Bởi, ông đã có kinh nghiệm trong trường hợp này.

Năm trước, do được tiếp thị khéo léo, lại thấy cần thiết phải cập nhật văn bản pháp luật phục vụ cho việc tuyên truyền và áp dụng chính sách pháp luật tại địa phương nên UBND xã đồng ý đặt mua phần mềm này. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, việc cập nhật văn bản không được thông suốt. Nhiều văn bản mới, cần lấy ngay thì người mua lại không thể tải trên mạng về được. Lần này, ông Bí thư kiên quyết từ chối.

Một kiểu mời chào khác cũng khiến lãnh đạo UBND xã này phải đau đầu, đó là mời quảng cáo trên báo Tết. Nhân viên quảng cáo dùng mối quan hệ và ảnh hưởng từ cấp trên để về trực tiếp xã mời làm quảng cáo. Lãnh đạo UBND xã vì tế nhị nên cũng đành áp dụng linh hoạt chính sách tài chính, dành một khoản chi cho quảng cáo.

Nhưng sau này, thấy cái sự quảng cáo cho UBND xã vô lý quá nên những người lãnh đạo cũng kiên quyết từ chối những lời mời quảng cáo. Ở cơ quan hành chính gần dân nhất, nơi mà người dân cần làm các loại thủ tục giấy tờ mới tìm đến giải quyết, vậy thì việc quảng cáo cho UBND xã nhằm thu hút gì? Vô lý đến vậy mà những người làm quảng cáo vì lợi nhuận cũng không tha.

Tôi đã từng chứng kiến một lãnh đạo UBND xã tại huyện Gia Lâm, Hà Nội bị rơi vào thế bí khi có người đến tiếp thị bán sách. Trước mặt khách đến liên hệ công tác với ủy ban, chị này lôi trong túi một cuốn sách dày cộp ra mời Chủ tịch xã: "Đây là sách của tổ chức…, đề nghị các anh mua ủng hộ để phục vụ cho quỹ từ thiện". Từ chối ngay thì ngại với khách, nhưng nhận lời thì khó, ông chủ tịch đành "đẩy" chị bán sách sang cho đồng chí Phó Chủ tịch tiếp.

Mua 1, ép mua 3

Cuối năm, thị trường hàng hóa đua nhau xả hàng để thu hồi vốn đã tạo nhiều chiêu bán hàng độc. Thực chất, người tiêu dùng không hưởng lợi như những gì họ tưởng sau khi nghe quảng cáo. Một siêu thị hàng điện tử ở Hà Nội đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn: "mua 1 được 3".

Tức là mua một vô tuyến màn hình Plasma trị giá trên 10 triệu đồng được tặng một thùng bia kèm một lò vi sóng. Người bán giới thiệu, nếu khách không muốn dùng bia thì có thể được lấy lại tiền tương đương với giá trị thùng bia. Ông Nguyễn Phú Lộc, ở huyện Từ Liêm, Hà Nội khấp khởi mừng thầm khi mua chiếc tivi Sony trị giá hơn 13 triệu đồng, được lấy lại 300.000 đồng tiền bia và mang thêm một lò vi sóng về nhà.

Cứ tưởng mua 1 được 3, nào ngờ sau khi tìm hiểu một số điểm bán hàng khác thì ông mới nhận ra mình bị ép mua thêm sản phẩm mà không biết. Tức là, giá của chiếc tivi ở cửa hàng này bị nâng giá lên vừa đúng với giá chiếc lò vi sóng. Vậy là, khách hàng muốn mua tivi thì buộc phải mua thêm lò vi sóng chứ không hề được tặng. 

Người bán, người quảng cáo thiếu văn hóa trong kinh doanh thì người mua cũng phải biết phân biệt để tránh. Dù là ép mua hàng, ép quảng cáo hay dùng thủ thuật đánh lừa khách hàng thì cũng là kiểu kinh doanh thiếu lành mạnh, cần phải tẩy chay, nhất là trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện nay.

Nếu bị ép mua 1 thành 2, khách hàng phải từ chối mua hàng tại điểm kinh doanh đó mà chọn sang địa điểm khác. Có vậy, hình thức kinh doanh trung thực, văn minh mới không bị đánh đồng

Việt Hà
.
.
.