Một dự án ở Cảng Cái Lân bị "treo" vì thiếu vốn

Thứ Bảy, 13/05/2006, 13:11

Theo thiết kế, tàu 4 vạn tấn có thể ra vào Cảng Cái Lân, tuy nhiên, thực tế hiện nay chỉ có loại tàu cỡ 15 ngàn tấn trở xuống mới cập được cảng. Lý do rất đơn giản, dự án khơi thông luồng ngoài đang bị "treo" vì thiếu vốn.

Dự án Cảng Cái Lân do Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản cấp vốn vay (ODA), Cục Hàng hải Việt Nam làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án hàng hải II (QLDA HHII) chịu trách nhiệm quản lý, giám sát quá trình thực hiện. Dự án được chia làm 2 giai đoạn - Giai đoạn 1 (2000-2003) xây dựng 3 bến (số 5, 6, 7) cho tàu có trọng tải từ 30 - 50 nghìn tấn, trong đó có 1 bến container với độ sâu -13m; nâng cấp bến hiện có (bến số 1) có độ sâu -12m; đầu tư trang thiết bị đồng bộ và nạo vét luồng cho tàu có trọng tải 4 vạn tấn ra vào an toàn. Giai đoạn 2 (2003-2005) xây dựng 3 bến còn lại (số 2, 3, 4) với độ sâu trước bến -12m cho tàu trọng tải đến 30 nghìn tấn cập bến. Đến đầu năm 2005, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành 3/4 gói thầu (chiếm hơn 80% giá trị).

Với phương châm vừa xây dựng vừa khai thác để sớm thu hồi vốn, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng đến nay cảng Cái Lân đang khai thác gần 60% công suất thiết kế. Theo Ban Giám đốc Cảng Cái Lân thì với công suất hiện đang khai thác, hiện tại chỉ có tàu dưới 15 nghìn tấn trở xuống mới cập được cảng. Vì đoạn luồng ngoài có chiều dài 36km (trong đó có 7,5km mướn nước chỉ đạt - 8m so với cao độ hải đồ) tàu 4 vạn tấn không thể vào cảng được. Dự tính kinh phí đầu tư nạo vét luồng ngoài khoảng 13 triệu USD. Và nếu luồng ngoài được nạo vét xong, công suất cầu bến sẽ được khai thác tối đa, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục triệu USD mỗi năm. Tiếc thay, điều đó chưa thể thực hiện được vì thiếu vốn.

Giám đốc Ban Quản lý hàng hải II, Nguyễn Văn Thiện rất bức xúc cho biết thêm, suốt cả năm 2005, Ban Quản lý hàng hải II đã nhiều lần vận động, trình dự án nạo vét luồng ngoài với các đơn vị liên quan để xin được cấp vốn chỉ vài chục tỷ để khởi động (phần vốn thuộc phía Việt Nam đóng góp) nhưng không thể nào được.

Trong hoàn cảnh như vậy, đơn vị quản lý, giám sát thực hiện dự án (QLDA HHII) đang bị "treo" dự án, còn Cảng Cái Lân (đơn vị khai thác) có khác gì "xây nhà nhưng không làm được ngõ" và sự thiệt hại cho cảng sẽ còn phải kéo dài…

Làm cách nào để giải bài toán khó?

Thực tế, hơn 40% công suất thiết kế của Cảng Cái Lân chưa được khai thác là vì tiến trình thực hiện giai đoạn 2 chậm và quan trọng dự án khơi thông luồng ngoài giai đoạn 1 đang bị "ách tắc". Các nhà kinh tế cảng, hạch toán một cách cẩn thận rằng việc các tàu lớn chưa cập được cảng Cái Lân đã làm giảm đi rất nhiều lượng hàng hóa thông qua cảng. Về kinh tế, cảng sẽ mất đi khoảng 7 USD/tấn hàng XNK. Người chịu thiệt hại cuối cùng lại sẽ là Nhà nước.

Ngày 20/6/2005, Ban QLDA HH II đã có công văn trình Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị Cục trình cấp có thẩm quyền tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án, xây dựng 3 bến còn lại (số 2, 3, 4). Ngày 31/8/2005, lãnh đạo Bộ GTVT đã có kết luận: Giao cho Vụ Kế hoạch đầu tư phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam triển khai thủ tục gọi vốn JBIC để tiếp tục xây dựng. Ngày 12/10/2005, Ban QLDA HH II đã có văn bản báo cáo JBIC và đề nghị các ban, ngành liên quan của Quảng Ninh xin ý kiến ủng hộ của UNESCO.

Theo các báo cáo trên, việc gọi vốn đang trong chiều hướng khá thuận lợi thông qua văn bản phúc đáp của JBIC ngày 28/10/2005. Dự kiến tháng 6/2006, hợp đồng thực hiện giai đoạn 2 của dự án sẽ được ký kết và cuối năm 2007 sẽ được khởi công. Tuy nhiên, điều đó thực sự là quá chậm, ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện dự án. Trước mắt, dự án gói thầu khơi luồng ngoài giai đoạn 1 cần 200 tỷ đồng (phần vốn đóng góp trong nước) mà các cơ quan, Bộ, ngành chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ hữu hiệu để giải quyết "bài toán khó" hiện nay. Cảng Cái Lân chính là một mắt xích quan trọng để phát triển khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế của cả nước. Chính vì vậy, hoàn thiện mọi hoạt động ở cảng đang rất cần sự quan tâm đặc biệt của nhiều Bộ, ngành và địa phương

Mạnh Hừng
.
.
.