Một DN mạnh dạn đầu tư vào rau sạch

Thứ Ba, 28/09/2010, 16:26
Trong khi một số dự án sản xuất rau an toàn ở Hà Nội bị phá sản thì mới đây Công ty TNHH Hương Cảnh ở xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP HCM lại mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực mà nhiều người cho là khó có thể thành công. Đó là đầu tư vào sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
>> Rau an toàn bị ép giá

Tìm thị trường cho rau an toàn ở Hà Nội trong bối cảnh hiện nay là việc không hề đơn giản, thậm chí có thể thất bại, nhưng rau an toàn Hương Cảnh đã có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận.

Chúng tôi về xã Văn Đức, huyện Gia Lâm vào một ngày cuối tháng 9 khi cánh đồng rau ở đây đang vào thời vụ, xanh ngút tầm mắt. Lấp lánh trên mỗi thửa ruộng là những tấm biển đề chữ VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam) khá to, tại mỗi khu vực trồng rau đều cắm biển báo hiệu màu đỏ-vàng-xanh nhằm thể hiện quá trình sinh trưởng của rau. Nếu thửa ruộng nào có biển báo màu xanh thì đó là rau đã ở thời kỳ thu hoạch, không được phép tác động bất cứ hình thức bón phân nào.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội chỉ vào những tấm biển này cho biết: "Sử dụng biển báo chính là để người nông dân tự giám sát lẫn nhau. Nếu phát hiện hộ này vi phạm thì hộ kia sẽ điện thoại đến Đường dây nóng của Thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức các hộ nông dân này hoạt động thành từng nhóm, mỗi nhóm sẽ có một nhóm trưởng để quản lý, giám sát và doanh nghiệp sẽ trả công cho nhóm trưởng". 

Giải thích nguyên nhân vì sao một doanh nghiệp ở TP HCM lại "lặn lội" ra Hà Nội để đầu tư vào lĩnh vực rau an toàn, ông Nguyễn Văn Toản, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Hương Cảnh tại Hà Nội cho biết, lý do rất đơn giản vì ông và một số thành viên trong ban lãnh đạo công ty đều từng là nông dân ở Hưng Yên nên rất am hiểu và tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp. Văn Đức có vùng đất nền rất tốt, được bồi lắng phù sa sông Hồng, rất thích hợp cho việc trồng rau ăn lá và củ, quả. Công ty Hương Cảnh đã ký hợp đồng liên kết tổ chức sản xuất - sơ chế và tiêu thụ rau an toàn với các hộ nông dân ở xã Văn Đức với quy mô 286ha dưới sự quản lý chặt chẽ của Chi cục Bảo vệ thực vật nhằm đảm bảo chất lượng rau an toàn theo đúng quy định của thành phố.

Cánh đồng rau an toàn ở xã Văn Đức.

Khi mới bắt tay vào dự án, nhiều người cho rằng Công ty Hương Cảnh quá mạo hiểm, bởi trước đó đã nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực rau an toàn và gặp thất bại. Nhưng với niềm tin sẽ thu phục được thị trường, Công ty Hương Cảnh bỏ ra 7 tỷ đồng đầu tư một nhà sơ chế hiện đại. Rau Hương Cảnh trước khi ra thị trường đều đã được sơ chế sạch sẽ, đóng túi nilon, dán tem và in mã vạch.

Khi Hương Cảnh đầu tư vào lĩnh vực rau an toàn đã có nhiều câu hỏi đặt ra, liệu họ có giám sát được chất lượng rau do nông dân sản xuất để đảm bảo độ an toàn cho người sử dụng hay không? Ông Toản cho biết, điều này đã được doanh nghiệp và những nhà quản lý tính đến. Để đảm bảo chất lượng rau khi ra thị trường, Công ty Hương Cảnh đã đầu tư trước vật tư như phân bón, phân chuồng ủ mục, phân vi sinh, thuốc bảo vệ cho nông dân theo đúng hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật (chi phí này sẽ trừ vào tiền bán sản phẩm trả cho nông dân vào cuối lứa rau). Với quy trình này, người nông dân không tự ý bón thuốc mua bên ngoài như thời kỳ trước đây.

Sản phẩm rau an toàn được Công ty Hương Cảnh thu mua 100% theo giá thoả thuận trong hợp đồng (từ 3.000-5.000đ/kg tuỳ loại rau). Những thời điểm giá thị trường tăng, công ty thu mua 50% theo giá thoả thuận, 50% theo giá thị trường để khuyến khích nông dân và đảm bảo kinh doanh của công ty. Công ty có một đội ngũ nhân viên cùng với cán bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật thường xuyên giám sát tại địa phương để chỉ đạo nông dân trong quá trình sản xuất, thu hoạch rau an toàn. Ông Nguyễn Văn Thắng, ở thôn Trung Quan, xã Văn Đức cho biết: "Với những điều kiện như trên, nông dân Văn Đức chúng tôi rất yên tâm sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. So với việc trồng rau tự do trước thì thu nhập hơn hẳn, lại yên tâm vì không lo phải đi chợ bán, không lo bị tư thương dìm giá".

Rau an toàn của Công ty Hương Cảnh mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 1,5 đến 2 tấn, hiện đang bán ở chuỗi siêu thị Hapro, Fivimart và 3 cửa hàng ở quận Hà Đông là 118 đường Tô Hiệu, 37 Bà Triệu, B28 TT9 Khu đô thị Văn Quán. Ông Toản cho biết: "Tới đây, rau an toàn của chúng tôi sẽ bán ở Metro, siêu thị Coop mart và ở nhiều bếp ăn tập thể của nhà khách, trường học trên địa bàn Hà Nội. Do rau Hương Cảnh bón bằng phân hữu cơ nên khi ăn rất ngọt, trong tương lai chúng tôi sẽ mở thêm nhiều cửa hàng rau của công ty để cung ứng đến người tiêu dùng". Thật khó tưởng tượng, để đầu tư vào rau an toàn, mỗi tháng Công ty Hương Cảnh chấp nhận bù lỗ 40 triệu đồng để tìm kiếm thị trường.

Để rau an toàn có đất "sống", ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp và người nông dân thì rất cần sự giúp đỡ của TP Hà Nội về đầu tư nguồn nước tưới, hỗ trợ mặt bằng để doanh nghiệp cung cấp rau đến tay người tiêu dùng…

Trần Hằng
.
.
.