Máy soi giúp truy những lô hàng “nằm vạ” tại cảng

Thứ Bảy, 16/01/2016, 08:17
Cục phó Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Lê Đình Lợi cho biết: Cả năm 2014, tỷ lệ tờ khai hải quan điện tử tại Cục Hải quan thành phố được phân vào luồng đỏ còn chiếm tới 16% nhưng tỷ lệ vi phạm phát hiện qua kiểm tra thực tế hàng hóa với tờ khai thuộc diện này chỉ có 0,23%.

 Năm 2015, tổng số tờ khai được phân vào luồng đỏ giảm còn 8,98%, song tỷ lệ phát hiện vi phạm qua thực tế kiểm tra hàng hóa với luồng đỏ đã tăng lên mức 1,087%. Số liệu trên cho thấy, dù lượng tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa đã giảm gần một nửa, nhưng tỷ lệ phát hiện vi phạm lại tăng gần 5 lần.

Trong năm 2015, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ và lập biên bản 2.287 vụ vi phạm, với giá trị hàng hóa vi phạm là 221 tỷ đồng, trong đó có đến 1.677 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại. Thực tế trên cho thấy buôn lậu, gian lận thương mại qua hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu quốc tế ở thành phố vẫn còn phức tạp.

Nhằm tăng cường kiểm soát với hàng hóa XNK, trong năm 2015, Hải quan thành phố cũng đã đẩy mạnh hoạt động soi container. Tổng số container được soi đạt trên 20,7 ngàn, tăng hơn 11% so với năm trước. Để ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, số lượng container thuộc luồng xanh, luồng vàng được soi ngẫu nhiên trước hoặc sau thông quan cũng đạt 1.559 container.

Vi phạm còn phức tạp như vậy, nên theo ông Lê Đình Lợi, việc quy định tỷ lệ kiểm tra qua máy soi đối với hàng hóa, hành lý nhập khẩu từ 5-10%; hàng hóa, hành lý xuất khẩu là 100% và hàng hóa, hành lý ký gửi là 100% sẽ gây nhiều khó khăn trong vấn đề ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại.

Hải quan thành phố đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu lập được danh sách 1.054 container của 183 doanh nghiệp (DN) cần phải đưa vào soi chiếu để từ đó xác định nghi vấn, triển khai khám xét và đến nay đã tổ chức soi chiếu được 924 container của 157 DN. Trong số container hàng hóa “nằm vạ” tải cảng đã tiến hành soi chiếu, qua phân tích hình ảnh soi chiếu đã có đến 213 container bị nghi vấn chứa hàng hóa vi phạm pháp luật.

Tiến hành khám xét, kiểm tra thực tếvới 208 container tại cảng Cát Lái và cảng Hiệp Phước do 36 DN nhập về, được khai báo là máy móc đã qua sử dụng nhưng hàng hóa chủ yếu là thiết bị điện tử, điện lạnh, gia dụng đã qua sử dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… với tổng trị giá khoảng 100 tỷ đồng.

Lô hàng dạng ve chai được nhập về cảng bị phát hiện.

Hải quan thành phố đã tiến hành tổ chức điều tra, xác minh thông tin trong nước với toàn bộ số DN trên, đồng thời phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu để được hỗ trợ xác minh từ phía nước ngoài, từ đó lập hồ sơ làm cơ sở nhằm củng cố chứng cứ vi phạm tiến hành khởi tố với những DN vi phạm.

Sau khi có kết quả khám xét, Hải quan đã tiến hành xác minh thông tin về địa chỉ DN, tình trạng hoạt động và người đại diện pháp luật của 36 DN nhập khẩu vi phạm này. Kết quả thu được cũng phản ánh những thông tin hết sức bất ngờ. Chẳng hạn người đại diện pháp luật đã chết theo giấy báo tử của UBND thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vào tháng 8-2013 nhưng DN vẫn được đăng ký thay đổi giấy phép thành lập DN vào tháng 3-2014 xảy ra tại Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao Dương.

Quá trình xác minh nhân thân người đại diện pháp luật, Hải quan thành phố cũng đã phát hiện nhiều trường hợp một người đứng tên đại diện pháp luật cho 2-3 DN có tên trong danh sách các DN nhận hàng trong 208 container bị khám xét trên. Hải quan còn phát hiện nhiều trường hợp người đại diện pháp luật cho các DN nhận những lô hàng có vấn đề trên có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú khi chỗ ở hiện tại là các tỉnh, thành phố khác, nhưng DN vẫn hoạt động tại TP Hồ Chí Minh.

Do cả 36 DN trên đều thuộc diện DN trọng điểm, nên Hải quan cũng tiến hành xác minh thông tin tại các hãng tàu liên quan đến người nhận hàng; tiến hành thu nhập thông tin về mối liên hệ giữa người gửi hàng và người nhận hàng để tiếp tục theo dõi, kiểm tra những lô hàng nhập về sau này.

Đ.Thắng
.
.
.