“Ma trận” sở hữu chéo, đầu tư chéo trên thị trường ngân hàng

Thứ Năm, 01/08/2013, 11:02
Sở hữu chéo, đầu tư chéo là cụm từ không còn xa lạ gì với mọi người khi nói đến hệ lụy đang xảy ra với hệ thống ngân hàng (NH), gây ảnh hưởng lớn tới cả nền kinh tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bết bát cho nhiều NH, mà không sớm loại bỏ, sẽ gây rủi ro cho toàn hệ thống.

Thực ra, trong rất nhiều vụ án thuộc ngành NH được phanh phui, hầu hết đều có bóng dáng của “tội đồ” sở hữu chéo. Vụ án “bầu” Kiên là một ví dụ điển hình. Với vai trò là cổ đông có ảnh hưởng lớn ở một số NH, ông Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) đã qua mặt cơ quan quản lý tạo ra một “ma trận” về vốn ảo, gây ảnh hưởng xấu đến chính sách tài chính, tiền tệ của Nhà nước.

Chỉ tính riêng ở ACB, bằng thủ đoạn lấy “mỡ nó rán nó”, Nguyễn Đức Kiên đã vay số tiền hơn 2.400 tỷ đồng; sau đó sử dụng để mua cổ phần, cổ phiếu của một số NH; rồi dùng số cổ phần, cổ phiếu đó để thế chấp lại các khoản vay ban đầu tại ACB. Dù phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định ông Nguyễn Đức Kiên không liên quan trực tiếp tới ACB, nhưng đánh giá về hiện tượng "bầu Kiên" và các vấn đề tại ACB, chính lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, "câu chuyện của ông Kiên và ACB liên quan đến vấn đề sở hữu chéo và lợi ích cục bộ".

Trên thị trường NH, có thể “điểm danh” rất nhiều hiện tượng của sở hữu chéo. Đơn cử tại NH Bưu điện Liên Việt, Công ty Bưu chính Việt Nam chiếm tỷ lệ sở hữu 12,5%; Công ty Him Lam sở hữu 10,4%; Công ty Chứng khoán Liên Việt chiếm 9,5%; và 62,6% phần quản trị còn lại dành cho các cổ đông khác kể cả ông Dương Công Minh – Chủ tịch Công ty Him Lam. Tại Ngân hàng An Bình, số liệu cập nhập từ tháng 4-2013 cũng viện dẫn ra thành phần quản trị còn phức tạp hơn. Tập đoàn Điện lực EVN chiếm tỷ lệ sở hữu 21,3%; Geleximco chiếm 7,7%, May bank chiếm 20%, IFC chiếm 10% cổ phần sở hữu, ông Vũ Văn Tiền và gia đình chiếm tỷ lệ sở hữu 8%, rồi VNDirect chiếm chỉ lệ sở hữu 3%...

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, một cá nhân không thể sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một NH. Một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một NH. Thêm vào đó, cổ đông và những người có liên quan với cổ đông đó như là ông bà, cha mẹ, vợ chồng... thì không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một NH. Thế nhưng, nếu chỉ cần nhìn vào thực trạng hội đồng quản trị của nhiều NH, các quy định hiện hành bị “ngó lơ”, không phát huy tác dụng và thay vào đó là mạng nhện sở hữu chéo chằng chịt.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright, không ít NHTM đã tận dụng các mối quan hệ đó để lách hầu hết các quy định về đảm bảo an toàn vốn, quy định về giới hạn tín dụng cấp cho 1 khách hàng. Hệ thống tài chính vì vậy bị khuynh đảo. Đặc biệt, cản trở quá trình tái cấu trúc hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính thì sở hữu chéo dễ bị lạm dụng bởi nó tạo cơ hội để cổ đông chi phối định chế tài chính và sử dụng định chế tài chính như một công cụ để đầu tư, cấp vốn theo mục đích riêng của họ. Hệ quả là dẫn tới những giao dịch tài chính vượt ra ngoài khuôn khổ an toàn theo quy định của pháp luật, thoát ly khỏi vòng kiểm soát của các cơ quan quản lý.

Để xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD, ông Bùi Huy Thọ - Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết: NHNN đã, đang triển khai đồng bộ 6 giải pháp như xác định chủ sở hữu đích thực của TCTD, hay kiểm soát vấn đề “vốn ảo” trong hệ thống… Đây là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của nhiều bên và mất nhiều thời gian thanh tra để xác định rõ thực trạng tài chính cũng như cơ cấu cổ đông của TCTD

Lệ Thúy
.
.
.