Lựa chọn kỹ đối tác, đảm bảo thu nhập cho lao động sang làm việc tại Malaysia:

Lương cao, nhu cầu lớn, vẫn khó tuyển

Thứ Tư, 10/07/2013, 21:52
Với sự áp đảo của số lượng lao động đi Đài Loan trong những tháng gần đây khiến các DN đổ dồn khai thác thị trường này, với kỳ vọng năm nay sẽ đột phá đưa khoảng 40 nghìn lao động sang làm việc khiến thị trường đi dễ, chi phí thấp như Malaysia đã lép vế giờ càng lép vế hơn.

Tuy nhiên, sau nhiều trục trặc ở thị trường Malaysia, giờ đây các DN đã “ngấm đòn”, chỉ lựa chọn những đơn hàng và đối tác uy tín, đảm bảo quyền lợi và thu nhập cho người lao động. Mặc dù công việc tốt với thu nhập cao, nhưng hiện nay, tuyển nguồn lao động đi Malaysia vẫn vô cùng khó khăn. Không ít DN xuất khẩu lao động đã cho lao động nợ chi phí xuất cảnh nhưng vẫn khó tuyển.

Thị trường suy giảm

Với ưu điểm là thị trường dễ tính, dễ tiếp nhận lao động, đòi hỏi không cao, chi phí thấp, một thời gian dài trước đây, nhiều DN XKLĐ đã ồ ạt đưa lao động sang Malaysia. Cũng vì thế mà thị trường này đã xảy ra một số rủi ro với người lao động, như: chủ sử dụng phá sản, nợ lương, lao động bị đột tử do thời tiết… Chính vì những rủi ro này, người lao động đã có ấn tượng xấu và không tha thiết khi nhắc đến đi làm việc tại Malaysia. Ở thời điểm cao trào, có tới hơn 100 DN tham gia khai thác thị trường này, với số lượng người lao động được đưa đi vài ngàn người mỗi tháng. Tuy nhiên, tới nay, thị trường này suy giảm tới mức hầu như chỉ còn DN nào đang theo đuổi chương trình đưa lao động huyện nghèo đi XKLĐ thì mới tiếp tục khai thác thị trường Malaysia.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong ba tháng đầu năm, thị trường này tiếp nhận gần 2.500 lao động Việt Nam. Trung bình mỗi tháng có hơn 800 lao động nhập cảnh Malaysia để làm việc, tuy nhiên, trong tháng 4 và tháng 5, số lượng lao động tiếp tục suy giảm, trung bình khoảng 500 lao động, và dự báo có thể sẽ tiếp tục suy giảm trong các tháng tới.

Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, từ 1/1/2013, Chính phủ bắt đầu thực hiện chính sách nâng lương tối thiểu cho người lao động lên 900 RM/tháng, tương đương gần 7 triệu đồng/tháng. Tại nhiều nhà máy, chủ sử dụng có trả cho người lao động cao hơn mức lương này, cộng cả lương làm thêm, mức thu nhập của không ít lao động đạt mức 12 – 15 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên, vấn đề khó hiện nay là nguồn lao động trong nước thiếu, người lao động không đi Malaysia, dù trong nước đang thất nghiệp”, ông Hải nói.

Lựa chọn đơn hàng tốt để đẩy số lượng

Theo đăng ký hợp đồng đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận đến cuối tháng 6/2013, số lượng DN đưa lao động đi Đài Loan vẫn áp đảo. Một số DN vẫn kiên nhẫn bám trụ khai thác thị trường Malaysia như Châu Hưng, Vĩnh Cát, Halasuco (đơn hàng 200 công nhân nhà máy), Nosco Imast (100 công nhân nhà máy), VSC, TTLC…

Các lao động huyện nghèo tham gia lớp học bồi dưỡng kiến thức trước khi đi XKLĐ.

Với mức chi phí thấp, Công ty cổ phần Thương mại Châu Hưng hiện đang có nhiều hợp đồng tuyển dụng từ các đối tác tại Malaysia, cung ứng lao động trong các nhà máy lắp ráp linh kiện điện tử. Mức lương trung bình của người lao động là hơn 8 triệu đồng/tháng, kể cả làm thêm, người lao động có thể đạt mức thu nhập từ 10-12 triệu đồng/tháng. Chi phí trước khi đi dưới 20 triệu đồng/người, công ty cho nợ chi phí, người lao động trả dần vào lương, nhưng công ty vẫn không tuyển dụng được lao động.

“Người lao động đã bị ấn tượng xấu về thị trường Malaysia nên dù công việc ở đây rất ổn định, thu nhập ổn định, chi phí trước khi đi thấp, nhưng người lao động vẫn từ chối đi Malaysia để đi các thị trường khác”, bà Lê Thị Loan, Giám đốc công ty Châu Hưng cho biết.

Ngày 9/7, ông Lâm Xuân Lộc, Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư Vĩnh Cát cho biết, hiện tại việc khai thác thị trường Malaysia của công ty tập trung vào hai ngành nghề là công nhân nhà máy và công nhân điện tử. Để thu hút người lao động đi Malaysia, công ty đã tinh lọc đối tác, lựa chọn đơn hàng đảm bảo về thu nhập; giảm tối đa chi phí đi, dao động từ 1.100 đến 1.200 USD. Đối với lao động khó khăn về tài chính, công ty còn đứng ra làm thủ tục vay vốn hộ người lao động tại các ngân hàng. Hàng tháng, công ty này vẫn tuyển đều đều lao động ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương… Cái khó nhất của thị trường Malaysia theo ông Lộc là tuyển lao động nữ.

Tuy nhiên, theo đại diện của một số DN đang kiên trì với thị trường Malaysia thì với việc lao động xây dựng ở Đài Loan đang có ít việc để làm, thị trường Malaysia chi phí thấp, lại có mức thu nhập gần bằng Đài Loan nên bước đầu đã có sức hút trở lại với lao động. So sánh với nhiều thị trường khác, mức thu nhập tại Malaysia và chi phí trước khi đi như vậy là có lợi cho lao động. Thị trường Đài Loan hiện cũng cần nhiều lao động nhà máy với mức lương trung bình từ khoảng 10-20 triệu đồng/tháng. Chi phí trước khi đi Đài Loan dao động trong khoảng từ 90-130 triệu đồng/người (4.500 – 6.000 USD) với hợp đồng hai năm, có thể gia hạn thêm một năm. Nếu tính thu nhập trừ đi tổng chi phí, thị trường Malaysia không kém Đài Loan nhiều, nhưng lao động vẫn thích đi Đài Loan hơn.

Trong bối cảnh thị trường việc làm trong nước nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp vẫn không ngừng gia tăng, đặc biệt là khu vực nông thôn, việc kích cầu đưa lao động sang Malaysia là công việc một mình DN không thể làm tốt, cần có sự vào cuộc của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, các Sở LĐ-TB&XH, chính quyền các địa phương.

Theo báo cáo của Ban Quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia, nước này đang thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, thị trường bất động sản và xây dựng tại Kuala Lumpur đang phát triển mạnh. Bên cạnh đó các công trình cộng cộng như tàu điện ngầm MRT và các dự án lớn theo chương trình cải cách kinh tế mới cũng đang triển khai nên nhu cầu lao động xây dựng tại Malaysia đang cần số lượng lớn lao động nước ngoài đến làm việc. Báo cáo của Công ty MMC-GAMUDA, trúng thầu xây dựng tuyến đường số 1 tàu điện ngầm MRT, giai đoạn từ 2012-2016 cần khoảng 13.000 lao động, giai đoạn 2 cần khoảng 40.000 lao động. Lao động xây dựng từ Việt Nam được giới chủ tuyển những người có tay nghề, kỹ thuật. Qua khảo sát của Ban, thì những lao động làm việc cho dự án có điều kiện ăn, ở tốt, các khu nhà được xây dựng tập trung, đảm bảo an ninh, đầy đủ tiện nghi các dịch vụ liên quan. Hàng ngày có xe buýt đưa đón lao động đi làm.

Đoàn Việt Nam giành 7 chứng chỉ nghề xuất sắc
trong Kỳ thi tay nghề thế giới tại CHLB Đức

Tin từ Bộ LĐ-TB&XH, sau 4 ngày thi đấu, kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 42 tại CHLB Đức đã bế mạc và trao giải vào tối 7/7. Đoàn Việt Nam đoạt 7 chứng chỉ nghề xuất sắc ở các nghề: Nghề điện tử, thí sinh Nguyễn Văn Việt đạt 521 điểm, gần chạm vạch huy chương; Nghề cơ điện tử, do hai thí sinh Thi Quốc Vinh và Võ Văn An, đạt 515 điểm, đoạt hai chứng chỉ; Nghề thiết kế trang web, thí sinh Trương Quốc Vương dự thi, đạt 513 điểm; Nghề Xây gạch, thí sinh Lưu Đình Hải dự thi, đạt 509 điểm; Nghề phục vụ nhà hàng, thí sinh Nhữ Thị Phương đạt 508 điểm; Nghề ốp lát tường do thí sinh Phạm Văn Linh dự thi, đạt 505 điểm. Đây là lần thứ tư, Việt Nam tham gia dự thi kỳ thi tay nghề thế giới, dù chưa giành được huy chương nhưng ở sân chơi lớn, với sự tham gia của 1.000 thí sinh đến từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 46 nghề, là cơ hội để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, chuẩn bị cho việc đăng cai kỳ thi tay nghề trong các nước ASEAN vào năm 2014.

T.Uyên
.
.
.