Lúng túng trong xử lý, gần trăm mét khối gỗ quý hiếm phơi mưa nắng

Chủ Nhật, 19/07/2015, 09:49
Không có kho cất giữ, gần trăm mét khối gỗ thủy tùng (nhóm 1A đặc hữu quý hiếm) trị giá hàng chục tỷ đồng đang bị phơi nắng, phơi mưa dẫn đến mục rỗng, hư hại nghiêm trọng. Hơn 8 năm qua, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay với biện pháp xử lý...

Trong các năm 2007-2009, tại các huyện Ea Hleo, Krông Búk, Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), cơn sốt gỗ thủy tùng bùng phát khiến mỗi mét khối gỗ được giới buôn bán gỗ lậu mua với giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Mỗi ngày có hàng nghìn người dân lùng sục, lặn đào, khắp các ao hồ, sông suối để tìm những cây thủy tùng bị chết hoặc gỗ thủy tùng bị chặt bỏ, vứt đi từ nhiều chục năm trước.

Lực lượng kiểm lâm các huyện đã thu giữ được hơn 90m² gỗ thủy tùng từ các vụ vi phạm. Nhưng do không có kho bảo quản, toàn bộ số gỗ này đều bị phơi mưa, phơi nắng từ đó đến nay dẫn đến mục nát, chất lượng và giá trị giảm sút nghiêm trọng.

Số gỗ thủy tùng quý hiếm đang bị phơi mưa nắng.

Ông Nguyễn Văn Tiếp, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Năng (nơi thu giữ hơn 50m³ gỗ thủy tùng) cho biết, phần lớn số gỗ này đều do lực lượng kiểm lâm truy quét, thu giữ từ các “đầu nậu” mua bán gỗ, người dân khai thác trái phép từ những năm 2007-2009. “Do có đường kính gốc khá to, thân cây lớn nên không có kho nào chứa nổi, biết để ngoài trời là xuống cấp, hao mòn dần, giảm giá trị nhưng cũng đành chịu. Đã vậy, mỗi tháng hạt phải bỏ ra 300.000 đồng thuê người canh giữ tránh bị mất cắp”, ông Tiếp nói.

Tại các huyện Ea Hleo, Krông Búk… hàng chục mét khối gỗ thủy tùng được lực lượng chức năng thu giữ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Ông Võ Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Ea Hleo cho biết, trước thực trạng trên, UBND đã có tờ trình xin sử dụng số gỗ này làm nội thất các cơ quan của huyện, nhưng tỉnh không chấp thuận. Khi phát hiện gỗ bị mục nát nhiều hơn, huyện tiếp tục xin làm các công trình công cộng, tỉnh vẫn không đồng ý.

Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ có quy định: “Thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm 1A là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước thì được phép chế biến, kinh doanh vì mục đích thương mại”. Nói về vấn đề trên, ông Y Sy HDớk, Chi Cục trưởng Kiểm lâm Đắk Lắk cho biết, Đắk Lắk là địa phương duy nhất có gỗ thủy tùng, chưa có tiền lệ xử lý, nên các cơ quan chức năng rất lúng túng.

“Quy định là vậy, nhưng khi áp dụng lại có nhiều ý kiến khác nhau. Sau nhiều cuộc họp bàn, nhiều văn bản tham mưu, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định cho bán đấu giá toàn bộ số gỗ trên. Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Đắk Lắk lại không biết bán với giá nào, vì loại gỗ này không nằm trong danh mục giá do tỉnh ban hành. Cuối cùng, theo chỉ đạo của tỉnh, Sở NN&PTNT gửi văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT cho cơ chế tiêu thụ, đồng thời quy định giá bán. Đến nay, bộ vẫn chưa trả lời nên gần 100m³ gỗ quý tiếp tục bị hư hỏng, hao mòn, giảm giá trị”, ông Y Sy HDớk cho biết thêm.

Không chỉ vấn đề ngân sách, mà đây là những khúc gỗ thủy tùng với kích thước cực lớn, không thể tìm được trên thế giới. “Theo tôi, đây là tang vật tịch thu đã xử lý hành chính, vì vậy nên cho phép các đơn vị chức năng bán thanh lý cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện, để tránh lãng phí tài nguyên của Nhà nước”, ông Y Sy HDớk kiến nghị.

Thủy tùng hay còn gọi là thông nước (tên khoa học là Glyptostrobus pensilis) thuộc nhóm 1A, là loại thực vật đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách Đỏ thế giới, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. Hiện Việt Nam có hai quần thể thủy tùng tự nhiên là Trấp Ksơ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea Hleo) với số lượng khoảng 250 cây phân bố trên diện tích 150ha.

Thủy tùng hay còn gọi là thông nước (tên khoa học là Glyptostrobus pensilis) thuộc nhóm 1A, là loại thực vật đặc hữu quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách Đỏ thế giới, là một trong 10 loài thông được ưu tiên bảo tồn. Hiện Việt Nam có hai quần thể thủy tùng tự nhiên là Trấp Ksơ (xã Ea Hồ, huyện Krông Năng) và Ea Ral (xã Ea Ral, huyện Ea Hleo) với số lượng khoảng 250 cây phân bố trên diện tích 150ha.

Văn Thành
.
.
.