Lúng túng khi quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Thứ Bảy, 24/05/2014, 11:11
Chính phủ cho rằng: Kể từ thời điểm Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 hết hiệu lực, Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa có quy định chi tiết, chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù cho doanh nghiệp Nhà nước...

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) tại Quốc hội mới đây, DNNN đã tạo việc làm cho khoảng 1,255 triệu lao động. Về quy mô vốn chủ sở hữu, năm 2006, khi mới hình thành một số tập đoàn kinh tế nhà nước, con số này của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) là 317.647 tỷ đồng, đến hết năm 2012 đã tăng gần 3 lần, 921.638 tỷ đồng. Nguyên nhân tăng chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế; đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, đơn vị phụ thuộc.

Tổng tài sản của khối này cũng tăng hơn 3 lần, từ 751.698 tỷ đồng lên 2.392.274 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng số nợ phải trả cũng tăng từ 419.991 tỷ đồng (bình quân bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu) lên 1.348.752 tỷ đồng (bằng 1,46 lần vốn chủ sở hữu), nhiều TĐ, TCT có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần. Trong khi quy mô vốn tăng gấp 3, lợi nhuận của khối này chỉ tăng hơn 2 lần, từ 67.201 tỷ đồng lên 156.146 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến 31/12/2012 của các TĐ, TCT là 17.033 tỷ đồng.

Về đầu tư ngoài ngành, đến hết 2012, giá trị đầu tư vào chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư, bất động sản và ngân hàng của các Công ty mẹ là 22.284 tỷ đồng. Riêng trong chứng khoán, đến nay, một số Công ty mẹ mới thực hiện thoái được lượng vốn nhỏ, còn lại hầu hết các Công ty mẹ chưa thực hiện được do thị trường chứng khoán chưa khởi sắc, giá cả giảm sút nên không bảo toàn được vốn đầu tư.

Đánh giá tồn tại của DNNN, Chính phủ cho rằng: Kể từ thời điểm Luật DNNN năm 2003 hết hiệu lực, Luật Doanh nghiệp năm 2005 chưa có quy định chi tiết, chưa giải quyết được các vấn đề đặc thù cho DNNN, như việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản; cơ chế giám sát; phân công, phân cấp thực hiện các quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN. Các quy định pháp lý điều chỉnh các nhóm nội dung liên quan đến DNNN chưa được luật hóa hoặc đã được luật hóa tại pháp luật khác nhưng chưa được triển khai thực hiện trên thực tế.

EVN nắm giữ thị phần chi phối về điện nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi. Thực tế này dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN còn thiếu, chưa tập trung và không đồng bộ.

Phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào các ngành lĩnh vực then chốt, địa bàn kinh tế khó khăn gắn với an ninh, quốc phòng và đảm bảo chủ quyền quốc gia còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực DNNN giữ thị phần lớn nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế như: chưa đáp ứng được nhu cầu về điện cho sản xuất và tiêu dùng...

V. Hân
.
.
.