Luật hóa giám định phục vụ điều tra án kinh tế

Thứ Năm, 23/07/2009, 09:40
Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhận định: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã tác động mạnh đến tình hình tội phạm kinh tế, tham nhũng, trong khi cơ chế quản lý kinh tế của Nhà nước còn sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đất đai, dự án…

- Thưa Trung tướng, năm 2009, Bộ Công an chỉ đạo Tổng cục Cảnh sát cần chủ động dự báo và triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh chống tội phạm lợi dụng ảnh hưởng suy thoái kinh tế, tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, trong đó có nhóm giải pháp đảm bảo an ninh kinh tế trong thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ. Trung tướng có đánh giá gì sau nửa năm triển khai?

Kinh tế suy giảm kéo theo nhiều hệ lụy làm gia tăng tội phạm trong lĩnh vực này. Đáng mừng là với sự chủ động sớm, Tổng cục Cảnh sát đã chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV có kế hoạch phối hợp ngành ngân hàng áp dụng các biện pháp quản lý, ngăn ngừa nên hạn chế một phần. 6 tháng đầu năm, lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV và CSĐT tội phạm tham nhũng đã phát hiện hơn 6.300 vụ phạm tội kinh tế, tham nhũng, gây thiệt hại trên 920 tỷ đồng (nhiều hơn 418 vụ so với 6 tháng đầu năm 2008), trong đó có 184 vụ phạm tội về chức vụ, 560 vụ xâm phạm sở hữu…

- Có ý kiến nhận định, tội phạm tài chính, ngân hàng trong giai đoạn này được bưng bít kín kẽ hơn, tạo thành đường dây khép kín giữa một số cán bộ ngân hàng và đối tượng bên ngoài?

Vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến an ninh ngân hàng nói chung. Một số thủ đoạn loại tội phạm này đã được khám phá, đáng chú ý một số vụ án có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng tạo thành đường dây khép kín, rất khó khăn cho công tác điều tra.

Giám định các công trình, dự án còn nhiều vướng mắc. Ảnh: Đ.T..

Điển hình như vụ cố ý làm trái tại Ngân hàng Công thương Chi nhánh Long Thành - Đồng Nai thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, vụ Giám đốc Công ty cổ phần Tổng hợp quốc tế T&D và Công ty Cao Cường lừa đảo chiếm đoạt trên 130 tỷ đồng của ngân hàng và một số người dân… Chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV thực hiện đấu tranh theo chuyên đề.

- Còn đối với gói kích cầu của Chính phủ?

Từ đầu năm, Cục C15 đã mời lãnh đạo các ngân hàng chủ chốt để trao đổi, bàn các biện pháp phối hợp đảm bảo an ninh kinh tế trong việc thực hiện gói kích cầu của Chính phủ. Đây là nội dung quan trọng, hiện lực lượng CSĐT tội phạm về kinh tế đang chú ý theo dõi…

- Đối với tội phạm tham nhũng, giai đoạn này có diễn biến gì mới?

Tội phạm tham nhũng vẫn tiềm ẩn trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng, phê duyệt và triển khai các dự án, xây dựng cơ bản… Các vụ án tham nhũng thường có sự móc nối, câu kết của nhiều loại đối tượng, với nhiều phương thức, thủ đoạn thực hiện và che giấu hành vi phạm tội như vụ tham ô tại Công ty cổ phần Xi măng Mai Sơn - Sơn La; vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Công ty Công nghiệp rừng Tây Nguyên. Đáng chú ý, tình trạng tham nhũng trong thực hiện các chính sách xã hội gây bức xúc trong nhân dân (vụ tham ô hơn 700 triệu đồng tại Phòng Lao động - Thương binh - Xã hội huyện Yên Thủy, Hòa Bình).

- Việc chậm trễ trong tiến độ điều tra án tham nhũng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm có nguyên nhân lớn do vướng mắc khâu giám định. Quan điểm của Trung tướng về thực trạng này như thế nào?

Vấn đề này cũng được nêu trong một số cuộc họp của các cơ quan tố tụng. Quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng là phải điều tra, làm rõ, xử nghiêm tội phạm tham nhũng, phải có chế tài nghiêm khắc để răn đe, phòng ngừa chung. Tuy nhiên, việc để xảy ra những tồn tại như nêu trên có những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Một số vụ án kéo dài do CQĐT gặp khó khăn trong việc thu thập, củng cố chứng cứ. Án tham nhũng thường không phải phát hiện được ngay tại thời điểm xảy ra tham nhũng, nhiều tài liệu cần thiết bị đối tượng tẩy xóa, tiêu huỷ hoặc thay đổi gây khó khăn cho CQĐT.

Bên cạnh đó, việc giám định, nhất là giám định tỷ lệ thất thoát tại các công trình, dự án của cơ quan chức năng còn yếu, thời gian cử giám định lại chậm. Nhiều vụ án, CQĐT phải chờ kết quả giám định hàng năm, trong khi chất lượng giám định nhiều vụ không đảm bảo yêu cầu.

- Kinh phí chi cho giám định dự án, công trình, tài sản trong các vụ án được thực hiện như thế nào, thưa Trung tướng?

Hiện, kinh phí giám định trích từ kinh phí điều tra. Trong khi đó, chi phí cho giám định các vụ án kinh tế, tham nhũng, giám định các công trình, dự án, giám định tài sản… chiếm nguồn tài chính lớn, nguồn kinh phí của CQĐT không đáp ứng được.

- Thực tế việc giám định hiện chỉ thực hiện theo hướng dẫn mà chưa có quy định pháp lý mang tính ràng buộc trách nhiệm của các bên. Theo Trung tướng, đã đến lúc cần luật hóa khâu giám định?

Đúng như vậy, Tổng cục Cảnh sát đang tham mưu Bộ Công an trình Chính phủ vấn đề giám định kinh tế, tài chính để làm sao tiến tới luật hóa vấn đề này. Theo đó, quy định cụ thể các chức danh tư pháp của cơ quan tiến hành giám định kinh tế, quy định rõ thời gian, nghĩa vụ, tức là đảm bảo tính pháp lý rõ ràng.

Ngoài ra, Tổng cục Cảnh sát đề xuất lãnh đạo Bộ có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giải quyết cấp kinh phí giám định trong những trường hợp cần khoản kinh phí lớn mà nguồn điều tra không đáp ứng được.

- Xin cảm ơn Trung tướng!

Đăng Trường (thực hiện)
.
.
.