Long An: Buôn lậu xăng dầu trong mùa lũ

Thứ Tư, 19/10/2005, 07:54

Nhiều cây xăng dầu trên kênh N28 thuộc xã Vĩnh Trị và thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng bán dầu DO vào 50-70 chiếc can loại 30 lít, cá biệt có cây bán cho trên 100 can.

Khác với những địa bàn trên tuyến biên giới Tây Nam, ở huyện Vĩnh Hưng buôn lậu chủ yếu là dầu DO. Cứ 1 can 30 lít được đưa qua biên giới có thể kiếm lời từ 10.000 - 15.000 đồng. Mỗi người một đêm có thể vận chuyển được 10-12 can.

Huyện Vĩnh Hưng có 5 xã biên giới với đường biên dài 45,6 km, nhưng buôn lậu xăng dầu chủ yếu diễn ra ở 2 xã: Hưng Điền A và Khánh Hưng. Gần đây, tại xã Khánh Hưng, các lực lượng chức năng đã bắt giữ 170 can (5.100 lít dầu DO), còn ở địa bàn xã Hưng Điền A, lực lượng Công an phối hợp với Hải quan bắt được 70 can.

Đi dọc theo tuyến sông biên giới (bề rộng chỉ 30m) thuộc địa bàn 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A, chúng tôi nhiều lần bắt gặp cảnh hàng trăm chiếc can từ bên kia biên giới được cột lại để kéo qua bên này. Khi phát hiện có lực lượng Công an huyện Vĩnh Hưng đang tuần tra, những chiếc can trên được vội vàng kéo về chờ lúc thuận lợi lại đưa sang.

Ấp Tà Nu, xã Hưng Điền A được xem là điểm nóng về buôn lậu xăng dầu qua biên giới ở huyện Vĩnh Hưng, vì ở đây có nhiều điểm tập kết và vận chuyển xăng dầu lậu. Bờ sông phía Việt Nam có vài ba điểm mới được "đào đắp sửa chữa" để thuận lợi cho việc "lên xuống" xăng dầu lậu.

Điều đáng nói là có điểm tập kết, vận chuyển xăng dầu lậu rất gần trạm kiểm soát của một cơ quan chức năng. Không ai có thể ước lượng được mỗi ngày có bao nhiêu lít xăng dầu được đưa lậu qua Campuchia ở huyện Vĩnh Hưng, chỉ biết những kẻ buôn lậu hoạt động suốt ngày đêm, trừ những lúc có "tín hiệu" cho biết lực lượng chống buôn lậu đang tuần tra.

Ở khu vực xã Vĩnh Trị và thị trấn Vĩnh Hưng, chúng tôi nhận thấy có nhiều cây xăng dầu trên kênh N28 bán dầu DO vào 50-70 chiếc can loại 30 lít, cá biệt có cây bán cho trên 100 can. Nếu đang vận chuyển hàng chục can dầu DO mà gặp lực lượng chức năng thì họ bảo: Mua về dự trữ chờ nước xuống để sản xuất vụ đông xuân

Thu Thảo
.
.
.