Lộn xộn thị trường vận tải hành khách tại Hà Nội

Thứ Tư, 22/11/2006, 14:52

Khách vừa xuống xe buýt ở Bến xe phía Nam Hà Nội, chưa kịp định thần, đã bị lôi ngay lên chiếc ôtô Hà Nội - Thanh Hoá, Hà Nội - Nam Định... Cùng một lúc có tới 30-40 xe ôtô các loại chen chúc nhau ra vào tranh giành khách mà không vấp phải một trở ngại nào.

Bến xe phía Nam Hà Nội là bến khá quan trọng đảm bảo lưu lượng khách cho hàng trăm tuyến xe với gần ngàn chiếc đi các tỉnh phía Nam cả tuyến ngắn và đường dài. Trong ngày 20/11, chúng tôi hai lần thị sát thì cả hai lần chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn, nhất là ngay tại bến nơi các loại xe ra vào.

Tuỳ tiện đón, bán khách

Ngay trên tuyến đường phía trước bến xe, các xe Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Ninh Bình, Hà Nội -Thanh Hoá... đã có lệnh xuất bến từ lâu nhưng vừa chạy vừa bốc khách, cố tình vòng vo bắt khách một cách công khai. Đáng trách là việc làm đó diễn ra trước mắt khá đông cán bộ Thanh tra Giao thông, cán bộ làm công tác trật tự, thành ra ảnh hưởng rất xấu tới niềm tin của khách đi đường đối với những người có trách nhiệm tại đây.

Ngay trong chiều 19 và 20/11, Ban quản lý bến đã phát hiện, lập biên bản và xử lý đình tài tới 15 xe các loại. Nhưng việc xử lý trên chỉ như "đánh bùn sang ao" rồi sau đó đâu lại vào đấy vì các chủ xe chỉ thấy lợi ích của riêng mình nên tìm mọi cách kiếm khách thu tiền. Vì bị lôi lên xe khác tuyến nên rất nhiều khách bị "chém" với giá vé cao từ 1,5 đến 2 lần mà không biết kêu ai.

Hành khách Trần Thị Thảng ở Vĩnh Trụ, Hà Nam cho biết: Vì có việc gấp phải đi xe Hà Nội - Ninh Bình, đến Phủ Lý lẽ ra giá 15 ngàn là đúng, nhưng sau khi bị chèo kéo, đến đường cao tốc phụ xe hét ngay 25 ngàn với lý do "cả tuần mới được làm một chuyến cuối". Sau đó bà Thảng phải mặc cả mới thỏa thuận được mức giá 20 ngàn cho gần 60km đường.

Rất nhiều xe không phải chất lượng cao cũng "khoác" biển chất lượng cao; chẳng phải xe Thái Bình... cũng treo biển tuyến đó để gian lận tuyến, giành khách. Tình trạng đội lốt hợp tác xã nọ, công ty kia lập tuyến được phép hoạt động, sau đó tuỳ tiện kinh doanh khá nhiều.

Nhiều xe nhái nhãn hiệu của các đơn vị kinh doanh có tiếng như Transerco, Hoàng Long... bị phát hiện nhưng không được xử lý triệt để. Đã có không ít trường hợp khách bị ẩu đả, buộc trả giá cao, ép sang xe khác dọc đường đã phản ánh tới cơ quan chức năng nhưng không hiểu sao tình trạng trên vẫn diễn ra gây tâm lý lo ngại cho khách.

Quản lý yếu hay làm ngơ?

Ông Vương Duy Toàn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Bến xe phía Nam, thừa nhận: Tình trạng mất trật tự như thế này đã diễn ra từ lâu và chưa thể quản lý được. Thật lạ lùng bởi đây không phải là lần đầu tiên lãnh đạo Xí nghiệp thừa nhận điều này trước báo giới.

Nguyên nhân được đưa ra là do không có đường riêng biệt để phân luồng cho xe buýt với các xe liên tỉnh nên phải chấp nhận tình trạng lộn xộn như hiện nay.

Cảnh lộn xộn ở bến xe phía Nam Hà Nội.

Lãnh đạo bến cho biết thêm, bến cũng đã thuê tư vấn lập dự án trị giá 6 tỷ đồng để cải tạo bến và đầu tư thiết bị tin học, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy phê duyệt quyết định đầu tư. Gần đây, Ban quản lý bến đề xuất tách đường xe liên tỉnh riêng biệt với đường xe buýt để tiện cho kiểm soát xe và người qua lại, nhưng cũng chưa có kết quả. Tuy nhiên, những thông tin mà chúng tôi nắm được không phải chỉ là tuyến đường phân loại xe như trên, mà còn là tình trạng gian lận thương hiệu, gian lận tuyến, tranh cướp khách ngay trong bến xe...

Vấn đề là cơ chế quản lý điều hành ở đây có điều gì không bình thường? Bất cứ ai qua đây một lần cũng thấy trật tự cả trong và ngoài bến rất phức tạp. Xe nào vi phạm, phạm vi trách nhiệm của cán bộ nào đều đã quy định, vậy tại sao tình trạng trên vẫn diễn ra? Rõ ràng trách nhiệm này thuộc về Ban Giám đốc Xí nghiệp bến xe. Nhưng để kéo dài tình trạng này là minh chứng rõ ràng về thái độ làm ngơ của những người có trách nhiệm!

Không chỉ Bến xe phía Nam, hiện nay, rất nhiều xe khách đăng ký hoạt động ở Bến xe Gia Lâm thường xuyên đảo luồng qua cửa Bến xe Lương Yên bắt khách, tuỳ tiện ra giá gây phức tạp thị trường vận tải hành khách.

Để giải quyết tình trạng này, trước hết cơ quan quản lý cấp trên phải xác định rõ trách nhiệm, chế độ thưởng phạt nghiêm minh đối với Ban quản lý các bến xe. Mặt khác, xây dựng quy chế xử lý nghiêm đối với các lái, phụ xe vi phạm.

Để chấm dứt tình trạng này, cần thiết phải có một giải pháp đồng bộ mà không ai khác ngành Giao thông Vận tải phải lĩnh trách nhiệm tập hợp các đầu mối tổ chức lại mạng lưới vận tải hành khách

Thanh Phong
.
.
.