Lợn, gà nội ăn toàn thức ăn... ngoại

Thứ Tư, 12/03/2014, 09:46
Do nguồn thức ăn chăn nuôi (TACN) chủ yếu nhập ngoại nên ngành Chăn nuôi nước ta phát triển khá “èo uột”. Kết quả là người dân Việt Nam phải gánh giá thịt gia súc, gia cầm đắt với chất lượng “không biết đâu mà lần”.

Xuất gạo không đủ để nhập ngô làm thức ăn chăn nuôi!

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, năm 2013, Việt Nam đã thu về 2,95 tỷ USD nhờ xuất khẩu gạo nhưng đã chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu. Nếu tính cả lượng nhập khẩu ngô, đậu nành và lúa mì, Việt Nam đã chi ra hơn 4 tỷ USD. Đáng lưu ý, 2 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập 1,26 triệu tấn ngô, giá trị 326 triệu USD, tăng gấp 7 lần về lượng so với cùng kỳ. Lượng nhập khẩu từ Brazil và Thái Lan chiếm tới hơn 90%. Trong khi đó, xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm Việt Nam chỉ đạt 700.000 tấn, thu về 303 triệu USD, chưa bằng số tiền bỏ ra để nhập khẩu ngô cho chăn nuôi!

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, cho hay, việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nước ngoài là hệ quả của chính sách phát triển nông nghiệp chưa đúng kéo dài 20 năm qua. Đến nay, gần 100% nguyên liệu thức ăn cho lợn, gà phải nhập khẩu, không có đồng cỏ để nuôi bò nên Việt Nam phải nhập khẩu sữa, bò thịt từ nước ngoài. Còn theo tính toán của Cục Chăn nuôi, TACN đang chiếm tới 70% trong cơ cấu thành phần tạo nên giá của sản phẩm chăn nuôi. Đại diện Hiệp hội TACN Việt Nam cho hay, hiện Việt Nam tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn TACN mỗi năm, nhưng chúng ta phải nhập tới 9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương 72% số nguyên liệu TACN phải nhập ngoại.

Tỷ lệ thức ăn chăn nuôi “made in Việt Nam” chiếm tỉ lệ thấp.

Trước thực thế này, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang lãng phí nguyên liệu từ nông sản như sắn, lúa gạo: xuất khẩu với giá rẻ để nhập khẩu nguyên liệu TACN như ngô, đậu nành với giá cao. GS Nguyễn Lân Dũng bày tỏ: “Chúng ta cứ mải mê chạy theo thành tích xuất khẩu gạo, năm sau phá vỡ kỷ lục của năm trước. Năm sau cố gắng xuất khẩu nhiều hơn năm trước. Trong khi, ngành Nông nghiệp không tính đến chuyển lượng thực phẩm dư này sang chăn nuôi. Hiện tại, Việt Nam đang phải gánh chịu giá TACN cao nhất nhì trên thế giới”.

Có “thực” mới vực được ngành Chăn nuôi

Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, giải thích, nhóm thức ăn bổ sung (thường gọi là Premix) Việt Nam hiện chưa sản xuất được nên bắt buộc phải nhập khẩu. Song, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng nhìn nhận, nhóm thức ăn giàu năng lượng hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ nếu tăng sản lượng cho các cây trồng như ngô, đậu tương...

Không chủ động về nguồn cung thức ăn, người chăn nuôi trong nước luôn chịu thiệt thòi, thua lỗ khi mà giá cả “phập phù”, lợn, gà chăn nuôi luôn phải bán lỗ. Điều này lý giải vì sao, vài năm qua, số hộ chăn nuôi trên đà… giảm mạnh. Do ngành Chăn nuôi “ốm yếu”, thị trường Việt Nam đã phải trải qua nhiều phen “làm giá” thực phẩm như thịt lợn, trứng gia cầm của các doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài tại Việt Nam.

Ngành Nông nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi, đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm đến 40% trong giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp phải tính đến chuyện “nhỏ” như thức ăn cho ngành Chăn nuôi, tạo những vùng nguyên liệu lớn, năng suất cao, ổn định, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài. Chỉ khi nào những nông dân nuôi lợn, gà ở nông thôn Việt Nam không còn chịu giá thức ăn cao do sự “ngúng nguẩy” của các “ông chủ” phương Tây, lúc đó, chúng ta mới có một ngành Chăn nuôi phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu

Chi Linh
.
.
.