Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do:

Lợi thế kỳ vọng sẽ không tự nhiên thành hiện thực

Thứ Ba, 25/08/2015, 11:00
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã cơ bản kết thúc đàm phán vào đầu tháng 8 vừa qua và được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, không phải mọi cam kết, mọi lợi thế đương nhiên sẽ trở thành hiện thực.

Tác động của Hiệp định là tích cực hay tiêu cực phụ thuộc hoàn toàn vào việc các doanh nghiệp (DN) và cơ quan nhà nước sẽ hành xử ra sao trước những cơ hội và thách thức đang tới.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này. Trong vòng 7 năm tiếp theo, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% còn lại, phía EU cũng sẽ cấp hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. 

Đặc biệt, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: dệt may, giày dép và thủy sản (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) sẽ được xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu trong vòng 7 năm. Các sản phẩm từ gạo cũng được hưởng mức thuế 0% trong khoảng thời gian tương tự. Ở chiều ngược lại, ôtô, xe máy từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ hưởng mức thuế 0% sau từ 9 tới 10 năm. 

Kết thúc đàm phán mới là điểm khởi đầu, lợi hay hại còn phụ thuộc vào sự thích nghi của nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng vào hiệp định này, khi Việt Nam và EU là 2 nền kinh tế có tính bổ sung rất lớn và đây được đánh giá là một hiệp định rất toàn diện. 

Theo ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), kể từ thời điểm đàm phán bắt đầu năm 2012 cho đến khi kết thúc cơ bản vào tháng 8/2015, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đã tăng gấp 2 lần. Nhiều mặt hàng EU có tính bổ sung cho Việt Nam và đang là bạn hàng lớn như dệt may, giày dép, linh kiện máy tính... Nhìn vào các mặt hàng có thế mạnh như dệt may, da giày, với cam kết cắt giảm thuế như vậy thì tăng trưởng kỳ vọng sẽ cao hơn nữa. Một số nghiên cứu cho rằng sẽ tăng trưởng thêm 4-5%. Tuy nhiên, đó mới chỉ là tính toán lý thuyết.

EVFTA mang lại nhiều cơ hội, nhưng ngược lại cũng có không ít thách thức. Theo khảo sát của VCCI, có đến 70% các DN không biết đến những FTA mà Việt Nam đã ký kết, như người lính ra trận mà không biết mình phải đấu với ai, vũ khí là gì? Con số thống kê các DN tận dụng được lợi thế từ các FTA thậm chí còn thấp hơn. 

Trung tâm WTO của VCCI khi nghiên cứu kinh nghiệm thực thi các cam kết WTO và các FTA trước đây của Việt Nam đã nhận định rằng “các lợi ích suy đoán từ một hiệp định sẽ không đương nhiên trở thành hiện thực”. Cần những nỗ lực lớn để thực thi các cam kết, hiện thực hóa các lợi ích và xử lý thách thức liên quan. Ngoài những khó khăn đến từ bản thân năng lực của DN, ngay cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải rất nỗ lực để thích nghi với những thách thức mới. 

VCCI cho rằng, trên thực tế, với nguồn lực hạn hẹp của Nhà nước cũng như nhận thức còn hạn chế của cộng đồng doanh nghiệp, việc vận dụng các quyền trong các cam kết thương mại quốc tế để bảo vệ những lợi ích hợp pháp còn ít được quan tâm. Điều này dẫn tới Việt Nam chưa tận dụng được đầy đủ các quyền của mình từ các cam kết này, khiến những lợi ích kỳ vọng khi đàm phán không được hiện thực hóa, trong khi những tác động bất lợi lại chưa được hạn chế tối đa. 

Bên cạnh đó là thách thức về cơ chế minh bạch hóa thông tin để có thể sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng còn rất hạn chế, do DN không thể tiếp cận nhiều thông tin về diễn tiến nhập khẩu, số lượng, kim ngạch nhập khẩu, giá nhập khẩu… của hàng hóa từ nước ngoài vào. 

Hệ quả là sau 8 năm gia nhập WTO, sau 10 năm kể từ ngày quyền sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại được ghi nhận trong pháp luật nội địa, số vụ điều tra phòng vệ thương mại ở Việt Nam chưa đếm hết một bàn tay. Chưa kể đến Việt Nam chưa dựng được bao nhiêu các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ để ngăn chặn hàng hoá chất lượng kém nhập khẩu tràn lan, cạnh tranh không lành mạnh với hàng hóa nội địa.

Nam Phương
.
.
.