Lơi lỏng trong việc tập hợp, giáo dục ý thức lao động cho công nhân

Thứ Hai, 26/05/2014, 13:32
Chỉ tính riêng các khuc chế xuất - khu công nghiệp (KCX–KCN) của TP Hồ Chí Minh từ lâu đã có 250 ngàn công nhân làm việc. Nhưng theo Sở Xây dựng thành phố, đến nay diện tích nhà lưu trú công nhân được hình thành từ nguồn vốn ngân sách hỗ trợ và do doanh nghiệp (DN) tự bỏ tiền đầu tư xây dựng tại các KCN – KCX chỉ đáp ứng hơn 40 ngàn chỗ; phần còn lại công nhân phải tự bỏ tiền tìm thuê chỗ ở tản mát trong các khu trọ lụp xụp do các hộ gia đình, cá nhân tự bỏ tiền ra làm.

Không có đủ chỗ ở tập trung, nên việc quản lý công nhân đã khó khăn; việc tập hợp công nhân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật, quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đến đối tượng này cũng chẳng hề đơn giản. Sự việc số đông công nhân bị kẻ xấu kích động một cách quá đơn giản đã sẵn sàng tham gia tụ tập gây mất an ninh, trật tự với chính DN mình đang làm việc vừa qua cho thấy rõ có sự lơi lỏng trong việc quản lý; tuyên truyền và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công nhân của chính quyền cơ sở và tổ chức công đoàn các cấp.

Hiện tại, ở hầu hết các KCX - KCN của thành phố đều đã có trung tâm giới thiệu việc làm, nhưng tình trạng DN tại đây tự treo băng rôn tuyển lao động vào làm việc là khá phổ biến. Đối với các DN cần nhiều lao động phổ thông hoặc chỉ biết sơ về nghề như da giày, dệt may… chỉ cần người lao động đem hồ sơ tới thẳng DN đang tuyển dụng, thử tay nghề đạt là vào làm việc ngay. Chứ hầu như công nhân không được qua phổ biến về trách nhiệm hay nghĩa vụ với cộng đồng trong quá trình làm việc.

Lao động trong một doanh nghiệp may mặc.

Tại KCN Tân Tạo, công nhân Ngô Thị Luyến làm việc tại một DN may mặc cho biết, ngày nào cũng cắm đầu cắm cổ làm từ sáng tới tối. Cứ về đến phòng trọ là lăn ra ngủ chẳng thiết gì đến chuyện vui chơi, giải trí. Thậm chí, thu nhập không cao trong lúc giá cả đắt đỏ, chị Luyến và nhiều công nhân khác chỉ mong công ty có việc để tăng ca, kiếm thêm thu nhập. Thỉnh thoảng công ty hoặc tổ chức công đoàn của KCN tổ chức sự kiện hoạt động tập thể vào ngày nghỉ, công nhân cũng chẳng mấy tha thiết tham gia do đã quá mệt mỏi sau một tuần làm việc cật lực. Theo chị Luyến, trong lúc làm việc, hầu như công nhân không được nói chuyện riêng, tổ chức công đoàn của công ty có việc gì cần phổ biến chỉ còn cách thông báo trên bảng tin. Tình trạng này càng khiến việc tuyên truyền về ý thức lao động cho công nhân thêm khó khăn.

Về phía cơ quan quản lý, với những DN có cả chục ngàn công nhân đang làm việc, dù tổ chức công đoàn có mạnh, có được sự hỗ trợ của Ban Quản lý KCX - KCN hoặc các cấp công đoàn địa phương, thì cũng chỉ đủ để đứng ra làm công tác hòa giải, động viên giải thích trước những sự việc bức xúc của công nhân với người sử dụng lao động. Chứ không thể đủ sức bao quát hết  mong muốn, bức xúc của người lao động. Với cơ quan trực tiếp quản lý về lao động, tiền lương cho công nhân ở cấp quận huyện là Phòng LĐ-TB&XH, nơi nhiều nhất cũng chỉ có chừng năm, bảy chuyên viên.

Trong khi ở những quận, huyện có đông DN như Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Bình Chánh… phải quản lý cả chục ngàn DN, nên từ lâu đã quá tải. Theo một chuyên viên quản lý về lao động tiền lương khối DN của quận Gò Vấp, chỉ với khâu bảo đảm quyền lợi cho người lao động là kiểm tra, giám sát việc tính lương của DN  và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội, phúc lợi khác cho công nhân đã làm không xuể. 

Để khắc phục tình trạng lơi lỏng trong quản lý, phổ biến ý thức chấp hành pháp luật cho công nhân, ngày 23/5 vừa qua, chính quyền TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện và tổ chức công đoàn các cấp rà soát ngay các phương án tiếp cận cụ thể để tuyên truyền đến công nhân ở từng khu nhà trọ. Nhưng trong khi hạ tầng các KCX – KCN còn chưa có nơi vui chơi giải trí để thu hút, tập hợp công nhân, TP Hồ Chí Minh chỉ có thể hoàn thành 9 dự án nhà lưu trú công nhân với 67.700 chỗ ở tập trung vào năm tới… thì xem ra vấn đề tập hợp công nhân để tăng cường quản lý, tuyên truyền giáo dục ý thức lao động vẫn còn là vấn đề khó

Đ.Thắng
.
.
.