Lời giải thích của Toyota Việt Nam khó được chấp nhận

Thứ Hai, 04/04/2011, 22:07
Việc TVM phát hiện ra xe của mình có lỗi, thậm chí đã âm thầm tự mình thử nghiệm và khắc phục các lỗi (như họ cho biết) nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng và khách hàng, khiến nhiều người nghi ngờ TVM cố tình ém nhẹm thông tin, coi thường sự an toàn của khách hàng.

Số xe bị lỗi thực sự đã được xuất xưởng là bao nhiêu?

Theo những gì ông Tadashi Yoshida - Giám đốc sản xuất của Toyota Việt Nam (TMV) trao đổi với báo chí: Tổng số xe bị lỗi đã được xuất xưởng là khoảng gần 9.000 xe. Cụ thể, có "tối đa" là 200 xe Innova J (được sản xuất trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 10-2010) có hiện tượng áp suất dầu phanh của xi-lanh bánh sau vượt mức tiêu chuẩn từ 1,5 đến 2 lần. 1.050 xe Innova khác (được sản xuất từ tháng 4 đến tháng 12/2010) có bulông bắt móc neo chân ghế bị giảm lực siết. Đặc biệt, có khoảng 7.580 xe (sản xuất trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10 /2006) được xiết bu lông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn.

Con số này khác biệt rất lớn so với hơn 60.000 xe đã được xuất xưởng trước khi tìm ra lỗi do kỹ sư Lê Văn Tạch cung cấp. Kỹ sư Tạch cho rằng TVM đã cung cấp con số sai sự thật, bởi "những chiếc xe này được sản xuất hàng loạt theo dây chuyền, không thể nói chỉ chiếc này bị lỗi, chiếc kia thì không". Cụ thể, kỹ sư Tạch cho rằng đã có khoảng 26.000 xe Innova J được bán ra chứ không phải 200 xe như TMV nói. Tương tự, xe bị lỏng bulông chân ghế cũng đã có khoảng 48.000 chiếc được xuất xưởng, gấp gần 48 lần con số TVM cung cấp.

Trong rắc rối lần này, uy tín của TVM đã bị ảnh hưởng lớn, khi theo đơn tố cáo của kỹ sư Lê Văn Tạch, từ năm 2006 đến  nay, ông cùng các đồng sự đã tìm ra 3 lỗi nghiêm trọng của xe, báo cáo cấp trên nhưng không được giải quyết. Thậm chí, một cấp trên còn yêu cầu ông im lặng, bởi nếu nói ra thì "chết cả nút".

Các lỗi được phát hiện là: lỗi mất cân bằng và nghiêng xe Innova do các đai ốc, gioăng cao su không được siết chặt theo đúng như bản vẽ kỹ thuật của Hãng Toyota tại Nhật Bản quy định, ảnh hưởng đến việc vận hành cũng như tăng nguy cơ lật xe khi vào cua với tốc độ cao; tiếp đó là tỷ lệ áp suất dầu phanh giữa bánh sau và bánh trước của xe Innova và Fortuner vượt quá tiêu chuẩn cho phép, dẫn đến hậu quả bó phanh hoặc khiến phanh bị mất tác dụng dẫn đến tai nạn; cuối cùng là lỗi lực siết trên các ê-cu ở chân ghế dòng xe Innova và Fortuner không được siết đúng với giá trị lực quy định, dẫn đến hậu quả xe sau khi được vận hành một thời gian sẽ gây ra tiếng ồn và có thể bị tuột ghế ra khỏi sàn xe.

Việc TVM phát hiện ra xe của mình có lỗi, thậm chí đã âm thầm tự mình thử nghiệm và khắc phục các lỗi (như họ cho biết) nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng và khách hàng, khiến nhiều người nghi ngờ TVM cố tình ém nhẹm thông tin, coi thường sự an toàn của khách hàng.

Uy tín của Toyota Việt Nam đang bị ảnh hưởng lớn vì những cáo buộc gần đây.

Toyota Việt Nam khẳng định xe lỗi vẫn an toàn, khách hàng chưa thuyết phục

Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Giám đốc kỹ thuật của TVM khẳng định họ đã cho kiểm tra các lỗi bị tố cáo, và khẳng định không có lỗi nào ảnh hưởng đến an toàn. Cụ thể, đối với lỗi áp suất dầu phanh quá tiêu chuẩn, TVM đã khắc phục nguyên nhân gây ra lỗi bằng cách chỉnh lại đồ gá ở dây chuyền sản xuất và kiểm tra, chỉnh lại van của toàn bộ xe chưa xuất xưởng.

Tiếp đó, họ đã tiến hành chạy thử ở các tốc độ khác nhau, từ 65 - 100 km/h để xem lỗi đó có ảnh hưởng gì đến độ an toàn của phanh hay không. Theo chuyên gia của TVM, họ nghi ngờ lỗi này có thể khiến phanh quá ăn, khiến xe có thể bị dịch đít khi phanh gấp. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm, TVM khẳng định không có hiện tượng này. Đồng thời, TVM cũng kiểm tra xác suất 9 xe Innova J của taxi Hà Nội Group đang lưu hành nhưng đều thấy có mức áp suất dầu phanh nằm trong tiêu chuẩn.

Với vấn đề bulông móc neo chân ghế chưa đảm bảo lực siết, TMV cho biết ngày 20/12/2010 các kỹ sư đã kiểm tra 20 xe Innova trong đợt sản xuất, thì thấy 10 xe có hiện tượng bulông bị giảm lực siết theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc này có thể gây lỏng, tuột bulông sinh ra tiếng kêu ở ghế nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng đến an toàn chung của xe. TMV đã khắc phục tại dây chuyền và kiểm tra 60 xe ngẫu nhiên trên thị trường xuất xưởng từ ngày 11/12/2008 đến 28/12/2010 nhưng không thấy hiện tượng trên. Về việc siết bulông camber khi xe không ở trạng thái tiêu chuẩn, TMV cho rằng hậu quả tối đa là có thể tạo ra tiếng kêu và bạc camber có thể kém bền so với thiết kế, và "khẳng định không ảnh hưởng đến an toàn chung của xe".

Tuy nhiên, trả lời chất vấn của PV về chuyện tiếng kêu có thể khiến lái xe mất tập trung, ảnh hưởng đến an toàn, ông Yoshida thừa nhận có khả năng này. Kỹ sư Lê Văn Tạch cũng cho rằng, nói các lỗi đó vẫn nằm trong giới hạn an toàn và không thu hồi xe là "lố bịch". "Khi sản xuất một chiếc xe, các nhà thiết kế đã tính toán các thông số tiêu chuẩn rất chính xác và bắt buộc áp dụng đúng với từng sản phẩm. Việc sản xuất ôtô có thông số bị lệch gấp đôi so với tiêu chuẩn thì không thể chấp nhận được" - ông Tạch bình luận.

Cho đến thời điểm này, TVM vẫn chưa ra quyết định thu hồi xe, do khẳng định các lỗi trên không ảnh hưởng đến an toàn. Chưa đồng tình với kết luận TVM đơn phương thử nghiệm đưa ra, một số PV đề nghị TVM cho thử nghiệm xe trước sự chứng kiến của bên thứ 3, kỹ sư Lê Văn Tạch và các cơ quan ngôn luận, ông Yoshida đã đồng ý đề xuất này.

Hiện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đang đợi báo cáo của TVM để kiểm tra và đưa ra kết luận. Còn người tiêu dùng thì vẫn đang đợi một câu trả lời chính thức cho sự an toàn của mình

Nhóm PVKTXH
.
.
.