Lợi dụng xuất khẩu hàng dệt may để lừa đảo

Thứ Ba, 14/12/2004, 16:10

Nếu so với những vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng khác, thì trong vụ án này, số tiền mà các đối tượng chiếm đoạt chỉ gần 1 tỉ đồng. Nhưng điều nguy hiểm  chính là ở chỗ, những thủ đoạn xảo quyệt mà bọn họ sử dụng...

Năm 1988, một thời gian ngắn sau khi ra tù vì tội  lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cưỡng đoạt tài sản công dân, Nguyễn Văn Khoa thành lập Công ty TNHH Hoàng Thắng, trụ sở đặt tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, Tp.HCM. Đến năm 2001, Nguyễn Văn Khoa gặp Đặng Văn Lĩnh, khi ấy là giám đốc của 2 công ty TNHH mang tên Tiến Thành và Tuấn Thành, đồng thời tạo được mối quan hệ với Nguyễn Xuân Nhiễn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nam Thái.

Thông qua một vài người, cả bọn biết ông Ngô Quốc Trung, Giám đốc Công ty May Việt Anh và bà Đinh Thị Hằng ở quận Tân Bình có nhu cầu gửi hàng may mặc sang các quốc gia Đông Âu, sang Cộng hòa Liên bang Nga theo yêu cầu của khách hàng nên Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Xuân Nhiễn và Đặng Văn Lĩnh đã cùng nhau họp bàn rồi từ đó, một kế hoạch lừa đảo, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng được bọn họ vạch ra, kỹ lưỡng đến từng chi tiết.

Thủ đoạn lừa đảo

Trong suốt quá trình tiếp xúc với ông Ngô Quốc Trung và bà Đinh Thị Hằng, bằng mồm mép khéo léo, Nguyễn Văn Khoa, Đặng Xuân Lĩnh đã khiến ông Trung, bà Hằng tin rằng họ là người làm ăn có uy tín, các công ty của họ là công ty thuộc loại tầm cỡ, doanh số mỗi năm hàng chục tỉ  đồng và chuyện xuất hàng dệt may đi nước ngoài chỉ là... chuyện nhỏ. Từ chỗ tin tưởng ấy, ông Trung, bà Hằng đã ủy thác để Nguyễn Văn Khoa lo liệu hồ sơ, thủ tục, đưa hàng đi với giá từ 400 đến 450 ngàn đồng cho mỗi côngtenơ rồi sau đó, Khoa sẽ lấy bản chính hồ sơ xuất hàng của ông Trung, bà Hằng đem về Công ty Hoàng Thắng của Khoa để khai thuế.

Có được bản chính những bộ hồ sơ xuất hàng dệt may trong tay, Nguyễn Văn Khoa bắt đầu thực hiện việc lừa đảo. Đầu tiên, Khoa bảo em ruột là Nguyễn Văn Hòa, cùng một vài người quen khác, giả làm các công ty ở Ba Lan, Nga, ký hợp đồng ngoại thương với Công ty Hoàng Thắng của Khoa. Bên cạnh đó, theo lệnh Khoa, Nguyễn Văn Hòa tiến hành mở tài khoản tại Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng Công thương Việt Nam tại Tp.HCM rồi bằng nguồn tiền của Khoa và Đặng Văn Lĩnh, Nguyễn Văn Hòa nộp vào một số tiền, tương đương với tiền thực hiện hợp đồng.

Bước tiếp theo, Nguyễn Văn Khoa cho chuyển số tiền ấy vào tài khoản của Công ty Hoàng Thắng và Công ty Tiến Thành của Đặng Văn Lĩnh dưới hình thức thanh toán hợp đồng ngoại thương với các “công ty” ở Nga, Ba Lan với tổng trị giá 10 tỉ đồng. Có bán thì phải có mua, để qua mặt các cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Khoa, Đặng Văn Lĩnh ký hợp đồng mua hàng dệt may khống với Công ty Nam Thái của Nguyễn Xuân Nhiễn, rồi sáng tác thêm một số hồ sơ, chứng từ, như vận đơn, hợp đồng thuê mướn kho bãi, danh mục hàng hóa, xuất xứ hàng hóa. Với tất cả những hồ sơ, chứng từ “dỏm” ấy, Nguyễn Văn Khoa, Đặng Văn Lĩnh ung dung thực hiện các thủ tục xin hoàn thuế giá trị gia tăng. Qua nhiều lần hoàn thuế, số tiền mà Khoa, Lĩnh lừa đảo, chiếm đoạt từ Cục Thuế Tp.HCM là 986 triệu đồng.

Sa lưới

Thấy mọi việc diễn ra suôn sẻ, Nguyễn Văn Khoa, Đặng Văn Lĩnh tiếp tục thực hiện một “phi vụ” khác, với các công đoạn “y chang” như đã từng áp dụng với các bộ hồ sơ xuất khẩu của ông Trung, bà Hằng và lần này, tiền hoàn thuế là 350 triệu đồng. Tuy nhiên, khi kiểm tra hồ sơ, Cục Thuế Tp.HCM phát hiện ra những dấu hiệu bất thường nên đã chuyển toàn bộ vụ việc cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra về các tội phạm kinh tế - Công an Tp.HCM để xác minh.

Xí nghiệp Sản xuất, kinh doanh tổng hợp trực thuộc Công ty Công nghệ vật tư Bộ Quốc phòng, nơi Khoa nói là ký hợp đồng thuê kho bãi, cho biết, chưa bao giờ giao dịch làm ăn với Công ty TNHH Hoàng Thắng, và cũng không hề có chuyện cho Công ty Hoàng Thắng thuê mướn kho bãi để tập kết hàng dệt may, chờ xuất đi Đông Âu, mà người thuê chính là bà Đinh Thị Hằng.

Bên cạnh đó, qua xác minh, Cơ quan điều tra được biết tại Cộng hòa Liên bang Nga, Ba Lan, cũng không hề có công ty nào mang tên, địa chỉ, số fax như những công ty đã ký hợp đồng ngoại thương với Công ty TNHH Hoàng Thắng của Nguyễn Văn Khoa, đồng thời tất cả hồ sơ, chứng từ xuất khẩu “thật” đều là của bà Đinh Thị Hằng và ông Ngô Quốc Trung. Theo bà Hằng, ông Trung, khi giao hồ sơ gốc cho Nguyễn Văn Khoa, họ chỉ nghĩ rằng Khoa dùng nó để xin hoàn thuế trên tổng số hàng dệt may, gồm 12 côngtenơ mà họ đã thực xuất, chứ không hề biết Khoa sẽ dùng nó làm cơ sở, để sáng tác ra các chứng từ giả mạo nhằm chiếm đoạt tiền cho cá nhân mình.

Cuối cùng, cũng cần nói thêm rằng, trong số 5 bị can của vụ án này, thì 4 người trước đây là cán bộ của các cơ quan Nhà nước, và 3 đã từng đi tù. Đó là Nguyễn Văn Khoa, năm 1984 bị tòa kết án tù 9 năm vì tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để cưỡng đoạt tài sản công dân; Đặng Văn Lĩnh, tù 5 năm; Nguyễn Xuân Nhiễn, tù 6 năm vì tham ô tài sản.

Hiện tại, cả 5 bị can đang chờ ngày ra vành móng ngựa. Một cán bộ Cơ quan Cảnh sát Điều tra về các tội phạm kinh tế - Công an Tp.HCM nói: “Nếu như những vụ trước đây, tội phạm mua bán “ảo” với nhau rồi dùng hóa đơn để xin hoàn thuế thì trong vụ này, họ đã lợi dụng việc xuất hàng “thật” để lừa đảo. Số tiền họ chiếm đoạt tuy không lớn, nhưng nó đã cho thấy một hình thức "chôm" tiền của nhà nước rất tinh vi”. Đây là tiếng chuông cảnh báo đối với nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, cần cẩn trọng hơn với các đối tác, nhất là khi giao cho họ những hồ sơ, chứng từ “cốt tử”

V.C.
.
.
.