Sau 2 tháng áp trần giá sữa:

Loay hoay tên gọi, bất cập kiểm soát giá

Thứ Tư, 06/08/2014, 08:46
Sau 2 tháng chính thức áp trần giá sữa, thị trường sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có chuyển biến tích cực khi mặt bằng giá chung được hạ xuống. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn có những sản phẩm “thoát trần” nhờ tên gọi, một số sản phẩm khác dù hạ giá những vẫn cao hơn trần quy định.

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, qua báo cáo mới nhất ngày 25/7, đã có 488 mặt hàng sữa thực hiện xác định giá tối đa bán buôn và bán lẻ theo đúng chủ trương. Giá bán những mặt hàng cũng đã giảm so với trước đây, từ 0,3 đến 26,37% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá. Trong đó, 5 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn (khoảng 90%) đã xác định giá bán buôn tối đa, đăng ký giá với cơ quan quản lý giá đối với 176 mặt hàng, mức giá bán buôn giảm từ 6,7% đến 26%.

Như vậy, từ 25 sản phẩm sữa ban đầu, đã có thêm 462 sản phẩm khác được áp trần dựa vào mức giá tương đương. Nhìn theo cảm quan, thị trường sữa về cơ bản đã “đi vào khuôn khổ”. Tuy nhiên, thực tế việc áp trần có được thực hiện một cách nghiêm chỉnh hay không lại là vấn đề khác. Ngày 3/8, khảo giá tại một số điểm bán sữa nhỏ lẻ trên địa bàn quận Thanh Xuân và Đống Đa (Hà Nội), ghi nhận của nhóm PV Báo CAND là nhiều mặt hàng trong diện áp giá trần (sản phẩm gốc) vẫn được một số cửa hàng bán lẻ đẩy giá cao hơn so với quy định.

Giá sữa vẫn loạn, người tiêu dùng chịu thiệt hại.

Cụ thể, với sản phẩm sữa NanPro 3 loại 900g, giá bán là 390.000 đồng/hộp, cao hơn giá trần 6.000 đồng/hộp. Tương tự, các sản phẩm khác như Dialac Alpha 123 HT, loại 900g của Vinamilk đang được nhiều cửa hàng bán với giá 186.000 - 190.700 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa chỉ là 176.000 đồng/hộp. Sữa Nan 1 của Nestle loại 800g được bán ra với giá 380.000 đồng/hộp, trong khi giá bán lẻ tối đa ở mức 371.000 đồng/hộp; Nan Pelargon loại 400g có giá bán lẻ 220.000 đồng/hộp, vượt 3.000 đồng/hộp so với giá áp trần...

Điều đáng nói là việc các cửa hàng bán lẻ cao hơn giá trần đã được phản ánh từ cách đây 2 tháng, khi thời hạn áp giá trần cho mặt hàng sữa có hiệu lực. nhưng việc vi phạm này vẫn diễn ra như “chưa hề có cuộc kiểm tra” nào. Dư luận phản ánh giá sữa bất ổn, Bộ Tài chính công bố không phát hiện vi phạm, trong khi thực tế thị trường, giá sữa vẫn loạn, người tiêu dùng vẫn bị “móc túi”. Dường như, công tác quản lý giá sữa chỉ mới thực hiện triệt để được ở khâu bán buôn, còn khâu bán lẻ bị bỏ lọt. Điều này đồng nghĩa với quyền lợi của doanh nghiệp được đảm bảo, thậm chí được hợp thức hóa, trong khi quyền lời của người tiêu dùng vẫn bị thả nổi, dù trước đó, Bộ Tài chính đã cam kết “đối với những mặt hàng sữa đang bán trên thị trường, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm nếu phát hiện những vi phạm”.

Mặc dù đối với người tiêu dùng, giá sữa bán đúng trần hay chưa là vấn đề cốt lõi, nhưng từ phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính cho rằng, khó khăn nhất không phải là khâu kiểm soát giá, mà ở chính tên gọi của sản phẩm. “Đây là lần đầu tiên chúng ta thực hiện việc áp giá trần với mặt hàng sữa trong phạm vi rộng và trong thời gian nhất định nên khối lượng công việc là rất lớn. Tôi cho rằng, hiện vẫn tồn tại hai loại sản phẩm là mặt hàng sữa và những sản phẩm khác có tên gọi như bổ sung vi chất. Đây là điều cần phân định rõ để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, chỉ khi sản phẩm gọi là sữa thì cơ quan chức năng mới có thể thực hiện bình ổn giá, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết.

Để có thể xác định đúng danh tính của sản phẩm sữa khi áp trần, Bộ Tài chính đã gửi tới Bộ Y tế những sản phẩm vẫn chưa thống nhất được tên gọi, tuy nhiên những dòng sữa được cơ quan này cung cấp lại để thực hiện bình ổn giá vẫn ít. Cụ thể, trong 30 dòng sản phẩm được gửi đến để phân loại, Bộ Y tế mới được trả lời khoảng 12 sản phẩm gọi là sữa. Số sản phẩm còn lại không được gọi là sữa nên rất khó để thực hiện bình ổn giá. Do còn tới 18/30 sản phẩm vẫn chưa được xác định có phải thuộc danh mục sữa bình ổn hay không, nên một trong những giải pháp quan trọng nhất thời gian tới được cơ quan quản lý giá ưu tiên thực hiện là tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế rà soát, bổ sung danh mục sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.

“Chúng tôi kiến nghị cần chuẩn hóa tên gọi để việc quản lý giá được thực hiện đúng quy định. Tôi cho rằng, với sự hỗ trợ của Bộ Y tế thì công tác bình ổn giá sẽ được thực hiện tốt”, ông Tuấn khẳng định.

Trước ý kiến lo ngại việc áp giá trần theo quy định sẽ được thực hiện trong một năm, trong khi nhiều sản phẩm vẫn chưa xác định được danh tính, thì khi hết thời hạn đó, giá sữa có thể sẽ lại tăng trở lại. Ông Tuấn cho biết, trước mắt, vẫn thực hiện bình ổn giá theo quy định và khi hết thời gian một năm sẽ có đánh giá tổng kết báo cáo Chính phủ. Thời điểm đó, nếu thị trường diễn biến tốt thì có thể tính tới gỡ việc áp giá trần, còn nếu thị trường vẫn xấu thì cơ quan chức năng sẽ kiến nghị Chính phủ gia hạn thêm thời gian bình ổn giá

Lệ Thúy
.
.
.