Loại bỏ các rào cản không cần thiết, tăng tự do kinh doanh cho DN

Thứ Sáu, 04/11/2016, 09:30
Đây là ý kiến được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách cạnh tranh trong các ngành mạng lưới: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 2-11, tại Hà Nội.

TS. Đặng Quang Vinh, nghiên cứu viên, CIEM cho biết, khi Việt Nam gia nhập thị trường, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam gặp nhiều rào cản; hơn 267 ngành kinh doanh của các DN cần được cấp phép và thủ tục cấp phép thực tế thường rất phức tạp và tốn kém một cách không cần thiết. 

Nhiều quy định thực sự không cần thiết, không đáp ứng được các tiêu chí về lợi ích công cộng. Không những thế, quản lý nhà nước là cần thiết nhưng bảo vệ quá mức sẽ tạo ra chi phí không cần thiết cho nền kinh tế và cản trở cạnh tranh, giảm cơ hội đạt được tăng trưởng cao và bền vững.

Theo khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, 30% DN tư nhân cho biết việc chính quyền địa phương ưu ái DN Nhà nước gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ, nhất là trong lĩnh vực khai khoáng và xây dựng. Sự tham gia của DN Nhà nước làm cho DN tư nhân khó tiếp cận tín dụng hơn.

Ngoài ra, có 31,6% DN tư nhân cho rằng, việc chính quyền địa phương ưu ái DN FDI cũng gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của họ. Các ngành công nghiệp mạng là những ngành quan trọng để cải cách cạnh tranh.

Lợi ích của ngành này mang lại nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại kết quả tốt hơn cho người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành thương mại, tái phân bổ lại vốn công đến các khu vực khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp mạng đang gặp nhiều thách thức như: đặc trưng là độc quyền tự nhiên; thường do Nhà nước làm chủ sở hữu và kém hiệu quả; cạnh tranh thường dẫn tới mất việc làm…

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Warren Mundy, chuyên gia tư vấn về cạnh tranh của Australia cho rằng, để thị trường cạnh tranh lành mạnh, xây dựng thể chế là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công. Theo đó, thể chế cần phải rõ ràng, có chức năng phân biệt. Các cơ quan không những phải được tách biệt với nhau mà còn phải tách biệt với các cơ quan hoạch định chính sách và sở hữu tài sản của Nhà nước.

“Cạnh tranh bình đẳng giữa DN Nhà nước với DN tư nhân có hai vai trò. Vai trò trong quá trình chuyển đổi. Theo đó, cần tách các DN Nhà nước thành các DN hoạt động theo nguyên tắc thị trường và cho phép khu vực tư nhân tham gia thông qua việc cho phép các DN mới gia nhập hoặc bán các DN cũ. Cạnh tranh bình đẳng giúp cho quá trình này chuyển đổi”, ông Warren Mundy nhấn mạnh.

TS. Đặng Quang Vinh cũng đưa ra khuyến nghị, Nhà nước cần hoàn thiện pháp luật cạnh tranh theo thông lệ quốc tế, giảm ngoại lệ, quy định rõ chế tài hành vi của DN độc quyền Nhà nước và cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, cần tạo dựng sân chơi bình đẳng cho các DN; cải cách thể chế về gia nhập thị trường, giảm các ngành nghề kinh doanh có điều kiện; loại bỏ các rào cản không cần thiết trong các ngành còn lại…

Phan Đức
.
.
.