Lo ngại về tăng trưởng khi các 'trụ cột' đều sụt giảm

Thứ Hai, 01/06/2015, 09:18
Thống kê của Bộ Công Thương mới đây nhất cho biết: Trong tháng 5, xuất khẩu đã hồi phục nhẹ với tăng trưởng 1,1% so với tháng trước, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 63,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy có tăng trưởng, nhưng không có nghĩa là các mối lo lắng đã kết thúc, khi các “trụ cột” của nền kinh tế là nhóm nông nghiệp, nhóm các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều sụt giảm.

Như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã bày tỏ về 3 mối lo lắng của ông trong buổi thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội: Đó là sự sụt giảm của du lịch, của khu vực nông nghiệp và sự yếu ớt của các DN sản xuất trong nước, các con số thống kê trong tháng 5 vừa được công bố đã minh chứng cho điều này. Tăng trưởng xuất khẩu trong 5 tháng vừa qua chủ yếu do khối DN có vốn đầu tư nước ngoài mang lại (tăng 18,1% nếu không kể dầu thô, với kim ngạch 42,83 tỷ USD, chiếm gần 68% toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của cả nước). 

Riêng khối DN trong nước giảm 2,7%, chỉ đạt 18,83 tỷ USD. Nguyên nhân của tình trạng này được lý giải do các DN FDI đã có sẵn thị trường, ít phụ thuộc vào chính sách tiền tệ cũng như tình hình trong nước. Ngược lại, DN nội dù đã có đủ các chính sách tháo gỡ, hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, tháo gỡ nợ xấu để tạo điều kiện vay vốn kinh doanh,... thì vẫn chưa thấy tác động trực tiếp, các chỉ số vẫn sụt giảm.

Mối lo lắng thứ 2 là sự tăng trưởng thấp của nhóm nông nghiệp, được thể hiện ở xuất khẩu 5 tháng đã giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 8,14 tỷ USD. Ngoài một số mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh so với cùng kỳ là sắn và các sản phẩm từ sắn ước tăng 47,5%, nhân điều tăng 25,6%, rau quả tăng 17,8%, thì các mặt hàng chủ lực lại giảm như thủy sản ước đạt 2,44 tỷ USD, giảm 16,1%; cà phê ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 38,2%; gạo ước đạt 1,1 tỷ USD, giảm 10,7% và cao su ước đạt 464 triệu USD, giảm 5,2%. Lượng xuất khẩu giảm là nguyên nhân chính làm giảm kim ngạch cả nhóm (trừ thủy sản, rau quả do không thống kê lượng), với mức giảm 516 triệu USD. 

Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản vẫn chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh giá dầu khi kim ngạch tháng 5 đã tụt đến đến 71% so với cùng kỳ 2014. Thống kê cho thấy, lượng xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu cả nhóm trong 5 tháng 581 triệu USD, trong khi giá làm giảm kim ngạch lên tới 1,67 tỷ USD.

Điểm sáng của xuất khẩu là nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch 49,27 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ, nhưng chủ yếu đến từ các DN FDI (mà đáng kể nhất là Samsung). Xuất khẩu giảm đã khiến nhập siêu tăng, đạt 2,97 tỷ USD, bằng khoảng 4,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Nhận định về tình hình, Bộ Công Thương cho biết: Tăng trưởng xuất khẩu 5 tháng đầu năm  không cao do kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm mạnh so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản, thủy sản ước đạt 8,14 tỷ USD, giảm 9,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2 tỷ USD, giảm 53%. Xét về giá trị tuyệt đối, kim ngạch xuất khẩu của hai nhóm đã giảm 3,1 tỷ USD so với cùng kỳ. Như vậy, nếu giữ vững được kim ngạch 2 nhóm này như năm ngoái, 5 tháng đầu năm sẽ có xuất siêu chứ không phải nhập siêu.

Mặc dù Bộ Công Thương cho rằng, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam “tuy không cao nhưng tương đối tích cực” nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á, như Nhật Bản chỉ tăng trưởng xuất khẩu 8,5% so với cùng kỳ trong quý I (có được do chính sách duy trì đồng nội tệ thấp), trong khi một số nước giảm như Indonesia giảm 11,7%, Malaysia giảm 2,5%, Hàn Quốc giảm 2,9%... 

Tuy nhiên, đây không phải lý do để có thể “AQ” về sự ổn định của nền kinh tế, bởi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định, nếu 3 “trụ cột tăng trưởng” giảm, thì nền kinh tế không dựa vào đâu mà tăng trưởng mức 6,2% như đã đặt ra. 

Trong phiên họp Chính phủ cách đây vài hôm, Thủ tướng đã nhấn mạnh tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh...; tập trung tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhất là về tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại; thúc đẩy phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; Bộ Công Thương nghiên cứu đánh giá tình hình xuất khẩu suy giảm của khu vực kinh tế trong nước để kịp thời có giải pháp thúc đẩy. Nút thắt du lịch dự kiến cũng sẽ được mở bằng cách tạo điều kiện về visa cho du khách từ một số nước đến Việt Nam và thành lập Quỹ phát triển du lịch... 

Việt Nam cũng đặt kỳ vọng vào việc các hiệp định thương mại vừa được ký kết cũng sẽ mở ra những cơ hội xuất khẩu mới cho nhóm hàng hoá mà Việt Nam có thế mạnh.

Nam Phương
.
.
.