Lo ngại quản lý không theo kịp tăng trưởng du lịch

Thứ Bảy, 20/10/2018, 07:17
Liên tiếp trong rất nhiều năm, ngành Du lịch có tốc độ tăng trưởng rất cao. Đây là những tín hiệu vui nhưng cũng kéo theo không ít lo lắng đối với ngành Du lịch Việt Nam. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khi trao đổi về tình hình du lịch Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2018.


Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, nếu tính riêng giai đoạn 2015 đến 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 1,63 lần, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28%/năm.

Cụ thể, năm 2016, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10 triệu lượt, tăng 26% so với năm 2015. Năm 2017, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,9 triệu lượt, tăng 29,1%. Năm 2018, dự kiến, lượng khách quốc tế đạt gần 16 triệu lượt.

Khách quốc tế đến Việt Nam ngày tăng cao.

Sự gia tăng lượng khách cao đã góp phần gia tăng đáng kể nguồn thu từ  du lịch. Năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 514.000 tỷ đồng, tăng 29,7% so với năm 2016. Trong đó, tổng thu từ khách du lịch quốc tế năm 2017 đạt 316.000 tỷ đồng, tăng 31,1% so với năm 2016.

Tỷ lệ đóng góp trực tiếp của du lịch trong GDP ngày càng lớn. Năm 2015 đạt khoảng 6,3% GDP. Năm 2016 đạt khoảng 6,9% GDP và năm 2017 đạt khoảng 7,9% GDP. Để phục vụ nhu cầu du lịch, cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật nhiều năm nay cũng liên tục được đầu tư phát triển. Số lượng cơ sở lưu trú không ngừng được đầu tư mở rộng.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Việt Nam thì  ngoài sự phát triển về cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, du lịch Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Trong đó, đáng kể nhất là điều kiện đi lại bằng đường hàng không. Hiện nay đã có 52 hãng hàng không quốc tế tham gia vào thị trường Việt Nam. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam bằng đường hàng không đa phần là  khách có mức chi tiêu cao.

Năm 2017, lượng khách này chiến đến 84% tổng khách đến Việt Nam. Theo Báo cáo xu hướng du lịch Mê Kông 2017, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng với Bangkok (Thái Lan), Côn Minh (Trung Quốc) đã trở thành điểm trung chuyển lớn trong khu vực, kết nối các điểm đến trong khu vực và thế giới.

Thực tế nói trên cũng đã góp phần phát triển đáng kể cả về chất lượng du lịch Việt Nam. Thể hiện rõ ràng nhất là tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lần thứ 2 trở lên đã tăng rất cao. Kết quả điều tra  năm 2017 cho thấy, có 40,4% khách quốc tế quay lại Việt Nam, tăng 33% so với năm 2014.

Tuy nhiên, cũng theo ông Lê Tuấn Anh thì du lịch Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang có xu hướng thay đổi rõ rệt.

Nếu vài năm trước, khách châu Âu chủ yếu đến Việt Nam đi xuyên Việt thì hiện nay họ du lịch theo “chuyên đề”, tức là chuyên sâu theo từng chủ đề nhất định như khám phá văn hóa cộng đồng, nghỉ dưỡng… Vì vậy, các đơn vị hoạt động du lịch cũng cần phải xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới cho phù hợp.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng liên tục tăng cao nhưng ngành du lịch đang phải đối diện với khá nhiều vấn đề, đòi hỏi phải tập trung khắc phục sớm.

Cụ thể, công tác quản lý chưa theo kịp với tốc độ tăng trưởng cao về khách quốc tế đến Việt Nam. Việc đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường còn nhiều tồn tại.

Tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường tại một số điểm du lịch vẫn diễn ra. Tai nạn ảnh hưởng đến an toàn của khách du lịch tại các điểm đến còn xảy ra, đặc biệt là vào các dịp lễ hội, mùa cao điểm… Du lịch mạo hiểm Việt Nam nhiều tiềm năng, đang ngày càng phát triển mở rộng nhưng vẫn còn xảy ra một số trường hợp tai nạn đáng tiếc.

Ông Tuấn cũng nhận định: Mặc dù du lịch Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhưng tiềm  năng còn rất lớn. Năm 2018, trong quá trình tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch tại nhiều quốc gia trên thế giới đã phát hiện rất nhiều địa phương, nhiều đất nước, người dân và thậm chí cả chính quyền chưa hề có thông tin về du lịch Việt Nam. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ đẩy mạnh xúc tiến quảng bá du lịch trực tiếp và gián tiếp qua nhiều “kênh” thông tin khác nhau.

 Hiện tại, ngành du lịch đang xây dựng, triển khai đề án nâng cao hiệu quả công tác quảng bá xúc tiến du lịch và tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.

Tổng cục Du lịch cũng triển khai nhiệm vụ quảng bá du lịch Việt Nam trên các phương tiện truyền thông, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và quảng bá du lịch. Ngoài ra,  Tổng cục còn chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20150…

Ngọc Nguyễn
.
.
.