Lò mổ đóng cửa, nhiều chợ khan hiếm thịt lợn

Thứ Sáu, 03/12/2010, 12:48
Chỉ sau 1 hôm lò mổ Thịnh Liệt chính thức đóng cửa, tiểu thương tại các chợ kêu trời vì phải vòng vèo lấy thịt lợn từ các lò mổ chui với giá cắt cổ. Còn người tiêu dùng, chưa kịp quen với giá cả tăng dịp cận Tết đã lại "méo mặt" vì thịt lợn là nguồn thực phẩm chính trong bữa ăn hằâng ngày nay bỗng dưng "đội" giá.

Đúng như những gì các hộ kinh doanh giết mổ ở lò mổ Thịnh Liệt tuyên bố khi phản đối không di chuyển vào cơ sở giết mổ mới: "Chúng tôi mà nghỉ vài ngày, giá thịt lợn ở Hà Nội sẽ tăng", chỉ hôm đầu tiên sau khi lò mổ lớn nhất TP này đóng cửa, các chợ đã nháo nhác vì giá thịt lợn.

Sáng 2/12, khảo sát tại nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy lượng thịt lợn về cơ bản không khan hiếm. Nhưng với các tiểu thương kinh doanh mặt hàng này, vẻ căng thẳng, mệt mỏi lộ rõ trên nét mặt. Chị Lan, bán thịt lợn tại chợ tạm Phùng Hưng cho biết, bình thường, nguồn cung cấp thịt lợn cho phần lớn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều ở Thịnh Liệt. 3 rưỡi sáng, chị đã có mặt tại chợ để chọn mua lợn và kịp pha bán khi trời sáng. Hôm nay là ngày đầu tiên, chị phải dậy từ 1h và vào tít trong Ba La (Hà Đông) để lấy thịt từ một nguồn khác.

Thịt lợn vừa tăng giá, vừa thiếu.

"Hôm qua giá thịt móc hàm vẫn là 580.000đ/tạ, sáng nay đã có giá 620.000đ/tạ, mà đi lấy xa hơn gần 20km, giờ bắt buộc phải tăng giá bán lẻ, nếu không làm sao chúng tôi trụ được", chị Lan cho biết. Trên phản thịt của chị Lan, loại thịt nạc vai cũng đã tăng từ 80.000đ/kg lên 120.000đ/kg. Nhưng chị Lan vẫn lo lắng, giá thịt sẽ còn tiếp tục lên trong những ngày tới và nguồn hàng cũng khan hiếm hơn.

Chị cho biết, hôm qua, khi lấy thịt lợn ở lò mổ Thịnh Liệt, các hộ giết mổ cũng đã thông báo trước với chị và khách hàng khác rằng họ sẽ không vào lò giết mổ Minh Hiền và sẽ kiến nghị để được tiếp tục giết mổ tại lò mổ Thịnh Liệt qua Tết Nguyên đán. "Họ thông báo tạm thời sẽ nghỉ vài hôm, và chúng tôi phải tự lo liệu tìm nơi cung cấp hàng mới", chị Lan lo lắng.

Cũng giống như chị Lan, bà Vui, một tiểu thương khác cho biết, hầu hết các chị em bán thịt ở chợ đều đang lo lắng bởi Thịnh Liệt là nơi cung cấp chủ yếu thịt lợn cho nội thành Hà Nội. Trung bình, mỗi ngày có tới 400 tấn thịt lợn từ đây tỏa đi khắp các chợ trong nội thành Hà Nội. Hệ lụy từ việc "đình công" của các hộ giết mổ đã khiến không chỉ giá thịt lợn tăng vọt mà các sản phẩm khác được chế biến từ thịt lợn cũng vèo vèo lên giá.

Mặc dù đã lường trước sự việc các hộ giết mổ đồng loạt từ chối chuyển đến địa điểm mới vì lý do xa và đắt hơn nhưng dường như các cơ quan chức năng của Hà Nội vẫn không có biện pháp gì để tạm thời ngăn không cho giá thịt lợn biến động. Điều này cho thấy, Sở Công thương Hà Nội, đơn vị được giao tham mưu và chủ trì việc thực hiện đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt còn lúng túng và không thống nhất được với các hộ kinh doanh giết mổ để tạo sự đồng thuận di chuyển đến lò mổ mới. Chính vì vậy, các hộ sẵn sàng nghỉ kinh doanh tạm thời chứ không chịu chuyển vào địa điểm của Công ty TNHH Minh Hiền.

Ngoài ra, dù đóng cửa lò mổ Thịnh Liệt nhưng bên cạnh đó, Hà Nội vẫn còn những lò mổ thủ công hoạt động "chui" ở Thanh Trì, Từ Liêm tồn tại nên dẫn đến tình trạng các hộ giết mổ tại Thịnh Liệt không phục bởi họ là các hộ được cấp giấy phép kinh doanh lại phải chuyển đến một nơi xa với mức phí cao hơn. Cũng chính vì vậy, dù lò mổ Thịnh Liệt đã chính thức đóng cửa nhưng tại lò mổ mới của Công ty TNHH Minh Hiền, khung cảnh vẫn "vắng lặng như tờ".

Trong cuộc họp với các chủ hộ kinh doanh giết mổ tại Thịnh Liệt trước khi đóng cửa vài ngày, bà Nguyễn Thị Như Mai, Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: "TP không ép buộc các chủ lò mổ phải di dời đến địa điểm mới. Tổng số 26 hộ tại lò Thịnh Liệt nằm trong "diện quy hoạch", nhưng nếu thấy có nhu cầu đến cơ sở Minh Hiền thì mới đăng ký, làm hợp đồng. Hết thời hạn mà vẫn còn chỗ, Công ty TNHH Minh Hiền sẽ tiếp nhận các hộ khác ngoài 26 hộ trên".

Ngoài ra, TP cũng đã có chính sách hỗ trợ mỗi hộ di dời 60 triệu đồng để ổn định kinh doanh trong thời gian đầu di chuyển. Nhưng để các hộ giết mổ có thể yên tâm di dời, nên xem xét lại cơ chế hỗ trợ lâu dài hợp lý bởi quan điểm của TP vẫn là tạo điều kiện tối đa cho các hộ giết mổ. Và chỉ với các điều kiện hợp lý, Hà Nội mới có thể xóa sổ được những lò mổ gây ô nhiễm và tiến gần đến mục tiêu người dân được dùng thực phẩm sạch

Ngọc Yến
.
.
.