Linh hoạt, chủ động trong làm ăn với Trung Quốc

Thứ Hai, 07/07/2014, 22:16
Nếu như muốn làm ăn lâu dài với Nhật thì phải thật; phải coi trọng chất lượng và uy tín thì làm ăn với Trung Quốc, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động, linh hoạt, lường trước mọi tình huống xấu nhất để có thể giảm thiểu mọi rủi ro bởi Trung Quốc là bậc thầy của các “chiêu trò”. Đó cũng là những lời khuyên, những cảnh báo trong giao thương với Trung Quốc được các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước đưa ra tại Hội thảo “Tự chủ trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Hà Nội.

Muốn tự chủ, doanh nghiệp phải chủ động “lột xác”

Cắt nghĩa về sự thiếu tự chủ của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế đã thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân chính tạo nên sự phụ thuộc chủ yếu vẫn là do sự thiếu chủ động và linh hoạt của DN trong nước cả ở 2 khâu xuất khẩu và nhập khẩu. Bằng chứng là trong lĩnh vực xuất khẩu- vốn được chú trọng và khuyến khích cao- các DN trong nước cũng chủ yếu chạy theo các mặt hàng gia công, có hàm lượng kỹ thuật thấp, giá trị gia tăng không cao. Thế mới có chuyện, dù xuất khẩu hàng tỷ USD hàng dệt may, da giầy, linh kiện điện tử... song giá trị thực sự mà DN Việt Nam thu trên thực tế rất ít, chỉ chiếm khoảng 10-20% trong tổng giá trị. Đây cũng là lý do khiến nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, “DN Việt Nam đã và đang xuất khẩu hộ cho Trung Quốc” khi mà 80-90% giá trị xuất khẩu rơi vào khâu nhập khẩu nguyên liệu từ thị trường này.

Bên cạnh đó, các hợp đồng kinh tế mà DN Việt Nam hiện có chủ yếu rơi vào hợp đồng ngắn hạn, với 97% giá trị hợp đồng dưới 1 năm; chỉ có khoảng 3% giá trị hợp đồng trên 3 năm. Điều này đã đẩy nhiều ngành hàng xuất khẩu vốn được xem là thế mạnh của Việt Nam như gạo, cafe, cao su... không chủ động được về giá, không quyết định được giá bán, thậm chí còn thường xuyên bị đối tác ép giá khi nguồn cung dồi dào, tăng đột biến. Hệ quả là trong nhiều năm qua, người nông dân Việt Nam vẫn rơi vào nghịch cảnh trớ trêu “được mùa- mất giá”.

Trong khi đó, quan hệ giao thương giữa Trung Quốc với các DN Việt Nam vẫn không chịu đổi mới, vẫn chọn cách làm ăn theo lề lối cũ, dễ dãi về chất lượng. Hệ quả là, mỗi khi thị trường Trung Quốc “đóng cửa” hay ngừng mua một loại sản phẩm nào đó, ngay tức thì các DN Việt Nam rơi vào cảnh bị ứ đọng sản phẩm hàng loạt, không tìm được đầu ra thay thế vì chủng loại hàng hóa này không thể xuất sang các thị trường khó tính khác, đòi hỏi chất lượng cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như trái Thanh Long hiện đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc với 90% tổng sản lượng xuất khẩu.

TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng: Trung Quốc nổi tiếng là bậc thầy của các “chiêu trò”. Vì vậy, các DN Việt Nam cần chủ động, linh hoạt, tính trước các tình huống xấu nhất trong làm ăn với DN Trung Quốc để giảm tối đa thiệt hại. Đồng thời, cũng phải tự  nâng cao giá trị của mình thông qua việc nâng cao chất lượng sản phẩm bằng chất xám, bằng hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, bằng trình độ quản trị DN hiệu quả. Có như thế, DN Việt Nam mới đa dạng hóa được bạn hàng, đa dạng hóa thị trường và không bị “chèn ép” khi làm ăn với Trung Quốc.

Cần bệ đỡ từ chính sách

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sự phụ thuộc một chiều, quá lớn và kéo dài vào dòng hàng nhập siêu từ một nước, dù với cơ cấu và lý do nào, đều ẩn chứa những yếu tố không bình thường. Lợi bất cập hại, điều này làm tăng độ rủi ro và tính dễ tổn thương của nền kinh tế, thậm chí có thể bị áp đặt những điều kiện kinh tế, chính trị gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia và lợi ích cơ bản của dân tộc. Do đó, để tránh phụ thuộc và vào nguồn hàng từ một quốc gia duy nhất, ông Phong đề xuất: Chính sách nhập khẩu cần phải cân đối tỷ lệ từ 8%-10% đối với kim ngạch xuất-nhập khẩu của từng nước. Điều này nhằm tạo ra các đối trọng trong các mối quan hệ thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, giải pháp hạn chế nhập siêu cũng như giảm ảnh hưởng nhập khẩu từ một vài thị trường lớn cần một chiến lược tổng thể và dài hơi. Vì vậy, Việt Nam cần phải ưu tiên đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu và cần có chính sách hợp lý đối với xuất- nhập khẩu qua đường biên mậu để gia tăng hoạt động chính ngạch. Về phấn mình, các DN cũng cần có kế hoạch khai phá thị trường mới, tận dụng lợi thế của những thị trường đã được hưởng ưu đãi thuế quan nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, giảm nhập siêu.

Đồng quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng: Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng chúng ta phải trở thành mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị này. Chính phủ Việt Nam nên có sự điều chỉnh nhất định trong chính sách, quan hệ kinh tế với Trung Quốc để giảm bớt rủi ro. Cùng với đó là nâng sự tự chủ trong các ngành của nền kinh tế, mà trước tiên là tự chủ về lương thực, giảm bớt tình trạng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ Trung Quốc trong khi đây chính là thế mạnh của Việt Nam.

Mặt khác, “Việt Nam cũng cần sửa đổi, bổ sung luật Đấu thầu và các luật có liên quan bởi việc đấu thầu dựa trên cơ sở giá thấp như hiện nay đang tạo ra quá nhiều thuận lợi cho các nhà thầu Trung Quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có biện pháp giám sát, kiểm tra, chế tài việc nhiều dự án trọng điểm quốc gia như nhiệt điện, khai khoáng, xi măng do nhà thầu Trung Quốc thực hiện mà không tạo điều kiện cho thầu phụ Việt Nam; kiểm tra lại toàn bộ các dự án công nghiệp do Trung Quốc đang thi công dở dang để huy động lực lượng trong nước kết hợp với các nhà thầu nước ngoài khác hoàn chỉnh các dự án này- Ông Nguyễn Văn Thụ, Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam kiến nghị

Huyền Thanh
.
.
.