Liên quan đến dự án nhà máy giấy gần 5.000 tỷ đồng: Cẩn trọng vẫn hơn

Thứ Sáu, 31/03/2017, 09:41
Nhiều nhà khoa học được tham vấn đều “gặp nhau” trong khuyến nghị: Tiền Giang nên cẩn trọng, thậm chí từ chối dự án Nhà máy giấy Đại Dương; quyết không thể để nhà đầu tư “đặt chuyện đã rồi”, đúng tinh thần chỉ đạo “không đánh đổi môi trường để đổi lấy dự án kinh tế” của Thủ tướng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức cuộc họp để lắng nghe ý kiến các chuyên gia khoa học đối với dự án Nhà máy giấy Đại Dương (đặt tại KCN Long Giang) có mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Đây là động tác thể hiện thái độ cầu thị, cẩn trọng và nghiêm túc của lãnh đạo địa phương này đối với dự án “khủng” mà sau khi đi vào hoạt động, có tác động trực tiếp đến môi trường.

Đến thời điểm này, nhiều nhà khoa học được tham vấn đều “gặp nhau” trong khuyến nghị: Tiền Giang nên cẩn trọng, thậm chí từ chối dự án; quyết không thể để nhà đầu tư “đặt chuyện đã rồi”, đúng tinh thần chỉ đạo “không đánh đổi môi trường để đổi lấy dự án kinh tế” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau “sự cố” Formosa tại miền Trung; hay gần đây nhất là chuyện của Nhà máy giấy Lee & Man (Hậu Giang).  

Dân, chính quyền đều… lắc đầu

Trưa 30-3, PV Báo CAND theo tỉnh lộ 866B tìm về xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, nơi có KCN Long Giang. Gặp chúng tôi trong lúc đang dẫn xe đạp qua cầu số 2 vượt kênh Năng, nông dân Trần Văn Thắng, nhà ở ấp 3, có đất trồng khóm và mãng cầu cặp theo dòng kênh này không giấu được sự lo lắng: “Nghe nói cái nhà máy giấy gì đó lo quá. Nó mà xổ nước xuống kênh này thì nông dân chúng tôi lãnh đủ”. Chỉ tay xuống mặt kênh Năng, ông Thắng nói thêm: “Con kênh này dài cả chục cây số, chảy ra kênh Bảo Định, rồi đổ ra sông Tiền. Đuối nhiều à!”.

Phối cảnh của Nhà máy giấy Đại Dương tại KCN Long Giang, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước.

Men theo con đường toàn đá dăm chạy dọc theo bờ kênh Năng, nằm đối diện với KCN Long Giang, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Dương. Hơn một năm trước, anh đến đây mua 2.500m² đất để trồng thanh long ruột đỏ. Anh kể vùng này lâu nay người dân chỉ có thể trồng được khóm. Nhờ mấy con kênh đào như kênh Năng này mà nguồn nước thông thương, đất cũng rỏ phèn, nhiều loại cây trái khác, trong đó có thanh long, chịu được. Khi được hỏi chuyện nhà máy giấy bề thế sắp “mọc” bên kia bờ kênh, anh Dương ngạc nhiên và than: “Dân ở đây khổ nhiều rồi!”.

Tìm đến UBND xã Tân Lập 1, dù không hẹn trước nhưng chúng tôi gặp được cả hai vị lãnh đạo đại diện cho chính quyền – ông Nguyễn Văn Lãnh, Phó Chủ tịch UBND xã và các ban ngành, đoàn thể - ông Đào Văn Thành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Đây là hai đại diện mà theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư trước khi hình thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), trình cấp thẩm quyền phê duyệt phải gặp để tham vấn. 

Mới nghe tôi nói tóm tắt câu chuyện, lần lượt ông Lãnh và ông Thành đều cùng phát biểu: “Dân không chấp nhận. Chúng tôi cũng vậy!”. Ông Thành kể hồi mấy tháng trước, khi nghe báo đài địa phương loáng thoáng nhắc đến dự án này, “bà con đã phản ứng dữ”. 

Cho chúng tôi xem một văn bản đề ngày 19-9-2016 mà lãnh đạo UBND huyện Tân Phước chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp cùng xã kiểm tra, khảo sát tình hình, điều kiện thực tế, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan,… để tham mưu cho huyện có ý kiến theo các nội dung đề nghị từ phía nhà đầu tư, một cán bộ xã nhớ lại, lắc đầu: “Liếc qua đề xuất của nhà đầu tư định lấy nước kênh Năng để sản xuất; rồi lại xả nước thải trở xuống kênh Năng không qua hệ thống xử lý của KCN, chúng tôi thấy không xong rồi”.

Nghe tôi kể lại sự lo lắng của nhiều người dân, ông Thành nói thêm: “Đúng như thế”. Ông Lãnh bổ sung: “Tân Lập là xã vùng kinh tế mới. Hơn 5.600 nhân khẩu của xã có xuất xứ từ 54 tỉnh thành của cả nước.

Do đặc điểm là vùng đất trũng, mùa khô thì khan nước, mùa mưa lại bị ngập úng, và với đặc điểm đất bị nhiễm phèn nặng nên dân ở đây lâu nay vẫn sống bám vào cây khóm. Hồi chưa quy hoạch KCN Long Giang, diện tích khóm của xã trên 2.000ha, giờ chỉ còn khoảng 1.700ha.

Mấy năm trở lại đây, dọc theo kênh Năng và một số kênh, rạch khác, bà con trồng được hơn 80ha thanh long; còn đất lúa cả xã chỉ 56ha. Giá khóm vừa rồi rất bấp bênh; giờ chỉ còn 5.000 đồng/kg, dân đang khóc! Nên giờ chỉ cần một tác động nhỏ từ vấn đề môi trường của KCN Long Giang thôi, là đời sống của người dân mệt mỏi. Mà đâu phải chỉ Tân Lập chúng tôi, nhiều xã khác của huyện Tân Phước, của huyện Châu Thành và của TP Mỹ Tho chắc chắn sẽ khổ nếu có nhà máy này….”.  

Nhà khoa học băn khoăn

Tại cuộc họp do UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức ngày 28-3 rồi, khi nghe ông Chiang Ming Jui - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương Việt Nam thông tin về nhà máy, nhiều nhà khoa học cho biết họ không có nhiều thông tin, tài liệu về dự án.

Khi GS-TS Nguyễn Văn Phước – Viện trưởng Viện TN&MT (ĐH quốc gia TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo ngại đối với hóa chất Cl2 mà nhà máy dùng để tẩy trắng, ông Phùng Chí Sỹ (đơn vị tư vấn lập ĐTM dự án) thừa nhận tài liệu mà sở ngành chức năng, một số nhà khoa học có trong trong tay là tài liệu… rất cũ, không chính xác (?). Phía nhà đầu tư nói không dùng bột giấy để sản xuất mà dùng giấy phế liệu nên không thải ra chất dioxin dư dư luận lầm tưởng(?).

Tham dự cuộc họp kể trên, TS Lương Quang Xô - phó Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cho biết ông rất lo ngại trước khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân nếu nước mặn xâm nhập trên sông Tiền ngược lên đến đoạn Rạch Gầm - Xoài Mút, tức vượt qua khỏi vùng lấy nước của nhà máy giấy, dẫn tới xung đột giữa người dân, doanh nghiệp cung cấp nước cho hàng triệu người dân địa phương hiện nay với nhà máy giấy.

“Khi tình trạng xâm thực mặn như thế,  nước trên các kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Bảo Định, kênh Năng... sẽ là nguồn chính để xử lý, cung cấp cho người dân. Xung đột chắc chắn xảy ra”, TS Xô nói thêm.

Điều lo ngại của ông Xô là có cơ sở bởi công nghiệp giấy được xếp vào loại gây ô nhiễm hơn cả công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là sử dụng nhiều chất tẩy độc hại trong quá trình sản xuất và việc tái chế giấy càng thải ra nhiều chất độc hại. Điều đó càng tệ hại hơn khi nước thải được xả xuống vùng giáp nước, khả năng tự làm sạch kém.

Đến ngày cuối của tháng 3 này, ĐTM của dự án này vẫn chưa được Bộ TN&MT phê duyệt. Theo quy định, trước khi được xem xét phê duyệt, hồ sơ ĐTM của nhà đầu tư luôn phải kèm theo ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

“Cuộc họp ngày 28-3 vừa rồi là cách để tỉnh có thêm thông tin, cơ sở khách quan, khoa học từ các chuyên gia để bày tỏ quan điểm cuối cùng. Nếu nhà đầu tư vượt qua được những phản biện, chứng minh được sự an toàn về môi trường khi nhà máy hoạt động, tỉnh vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ. Chúng tôi đang rất khẩn trương…”, một lãnh đạo tỉnh Tiền Giang chia sẻ với PV Báo CAND.

Theo tài liệu của PV Báo CAND, cách đây một năm, Công ty Chang Yang Holding (Đài Loan) mà đại diện là Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương Việt Nam, thuê 8 lô đất tại KCN Long Giang, diện tích gần 22,8ha để thực hiện dự án Nhà mấy giấy Đại Dương. Trước đó, ngày 11-3-2016, nhà đầu tư này được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận chủ trương đầu tư; tiếp đó, ngày 15-3-2016, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo đó, với mức vốn đầu tư 220 triệu USD (gần 5.000 tỉ đồng), nhà máy sẽ sản xuất giấy Duplex, giấy Kraf trắng (dạng cuộn), giấy Duplex xám, giấy Duplex hai mặt trắng và giấy dùng gia đình. 

Tổng công suất 413.000 tấn/năm (giai đoạn 1 là 175.000 tấn/năm). Nguyên liệu sản xuất của nhà máy là giấy phế liệu (như Nhà máy giấy Lee & Man Hậu Giang). Mỗi ngày, nhà máy này cần nguồn nước khoảng 7.500m³, và lượng nước thải xấp xỉ 5.000m³.

Binh Huyền
.
.
.