Lập trạm cân lưu động: “Siết” xe tải phá đường

Thứ Tư, 03/04/2013, 19:58
Để "siết chặt" xe quá tải “né” hai trạm cân cố định đang thí điểm ở Quảng Ninh và Đồng Nai bằng cách đi vòng qua các tỉnh lộ, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động có thể di chuyển địa điểm kiểm soát một cách bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có quyết định giao nhiệm vụ lập dự án đầu tư xây dựng 11 trạm kiểm tra tải trọng xe và trang bị 67 bộ cân lưu động giai đoạn 2013 – 2015 sau khi “Quy hoạch tổng thể trạm kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Chỉ thị 95 của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát tải trọng xe.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu tư vấn lập dự án đầu tư dự án này. Theo đó, dự án đầu tư 67 bộ cân lưu động để kiểm soát xe quá tải trên các tuyến đường bộ cho giai đoạn 2013 – 2015 tách làm 2 giai đoạn, ngay năm 2013 đầu tư 4 trạm với kinh phí trên 11,3 tỷ đồng/tổng mức đầu tư dự án là 174 tỷ đồng.

4 trạm đầu tiên sẽ được trang bị cho 4 Khu Quản lý đường bộ và 63 trạm còn lại sẽ trang bị cho các Sở Giao thông Vận tải địa phương từ nay đến 2015. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 2 trong tổng số 4 trạm cân lưu động đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động kiểm soát xe quá tải trên QL5 và QL10 bắt đầu từ ngày 1/4 này. Hiện tượng xe quá tải “né” hai trạm cân cố định đang thí điểm ở Quảng Ninh và Đồng Nai bằng cách đi vòng qua các tỉnh lộ đã xuất hiện. Vì thế, các trạm cân di động có thể di chuyển địa điểm kiểm soát một cách bất ngờ, để ngăn chặn kịp thời hiện tượng né trạm, nhằm đạt hiệu quả kiểm soát tải trọng cao.

Tổng cục Đường bộ và Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về xã hội đang xây dựng Dự thảo quy định về kiểm soát hoạt động của lực lượng thực thi trạm cân để ngăn chặn tiêu cực, đồng thời giáo dục tuyên truyền cán bộ, nhân viên trạm cân tuân thủ pháp luật. Tổng cục Đường bộ cũng sẽ nghiên cứu tìm các địa điểm dỡ tải gần vị trí đặt trạm cân và trước mắt tổ chức dịch vụ dỡ tải có quy định giá. Còn về lâu dài, trách nhiệm của các doanh nghiệp vận tải là phải chở đúng tải trọng, không nên vi phạm.

Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến tháng 1/2013, số lượng xe tải ở nước ta có 652.111 xe, trong đó xe tải dưới 7 tấn có 526.546 xe (chiếm 80,74%); xe tải từ 7 - 20 tấn là 121.840 xe (chiếm 18,68%); xe tải từ 20 tấn trở lên là 3.725 xe (chiếm 0,58%).

Đặng Nhật
.
.
.