Lập lờ đưa người lao động sang Thổ Nhĩ Kỳ trái phép

Thứ Hai, 21/04/2014, 08:18
Để được đưa sang Thổ Nhĩ Kỳ làm việc, với mức lương cơ bản 480 EU, hợp đồng 60 tháng và có thể gia hạn, mỗi lao động phải bỏ ra tổng chi phí 7.000 USD. Nhưng rốt cuộc, chuyến bay ngày 1/6/2013, đã đưa các lao động này đến miền Bắc Cộng hòa Síp. Như cá đã mắc câu, tiếng tăm không biết, người lao động đành làm đủ thứ việc từ làm vườn, đến giúp việc gia đình… rồi tìm cách về nước. Có người không thể về nước vì không có tiền.

Điều đáng nói là việc đưa người trái phép này lại được thực hiện bởi một trung tâm của một doanh nghiệp có giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Bỏ tiền đi Thổ Nhĩ Kỳ, lại được nhập cảnh Cộng hòa Síp

Sau nhiều ngày ngược xuôi từ Hà Tĩnh ra Hà Nội, tìm đến Trung tâm đào tạo xuất khẩu của Công ty CP xuất khẩu lao động và Thương mại du lịch Colecto, có trụ sở tại thôn Xuân Áp, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, nơi đã đảm bảo đưa chị đi Thổ Nhĩ Kỳ, để yêu cầu giải quyết quyền lợi mà không có kết quả, chị Nguyễn Thị Mai, SN 1980 ở xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đành phải viết đơn tố cáo hành vi lừa đảo của trung tâm XKLĐ gửi đến các cơ quan báo chí.

Theo chị Mai, chị được ông Phan Công Tịnh, Trưởng phòng của Công ty Colecto tuyển dụng, giới thiệu đến Trung tâm đào tạo XKLĐ ở Sóc Sơn, Hà Nội. Lúc đó, Giám đốc Trung tâm là bà Nguyễn Thị Kim Trang và ông Tịnh đã thỏa thuận với chị là đi theo đơn hàng sang Thổ Nhĩ Kỳ, làm nhà máy nhựa với thời hạn 60 tháng, mức lương cơ bản là 480 EU và có thể gia hạn hợp đồng. Vậy là ngày 13/5/2013, chị Mai nộp hộ chiếu cho ông Tịnh. Cả gia đình vui mừng khi không lâu sau đó, ngày 1/6/2013, chị Mai đã có lịch bay.

Khi lên tới sân bay Nội Bài thì bà Trang, Giám đốc Trung tâm mới đưa cho mỗi người một bản hợp đồng lao động bằng tiếng Anh, và đến khi nhập cảnh vào Síp, được đóng dấu hộ chiếu thời hạn cư trú 30 ngày, chứ không phải 60 tháng, thì mọi người mới vỡ lẽ là mình được đưa sang Síp chứ không phải như thỏa thuận ban đầu là làm việc nhà máy nhựa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Và sang ngày 3/6/2013, chị Mai được đưa đi làm vườn. Thắc mắc vì công ty đã không làm đúng hợp đồng, chị Mai điện thoại về cho ông Tịnh, thì được ông Tuấn, Phó Giám đốc công ty điện sang nói “cứ làm ở đó đi đã”. Chị Mai cho biết, sau đó, chị tiếp tục điện về cho bà Trang thì được báo là có đi làm giúp việc gia đình trông hai đứa trẻ hay không. “Tôi nghĩ mình đã bị lừa rồi thì chấp nhận thôi”, chị Mai cho hay và không ngờ lại được một người nước ngoài là Ha Khan đưa đến trông bà già 85 tuổi bị bệnh thần kinh.

Đơn tố cáo của chị Nguyễn Thị Mai và hộ chiếu Trung tâm đào tạo XKLĐ của Công ty Colecto đã dùng để đưa chị sang CH Síp.

Làm công việc này được 3 tháng thì chị Mai lại được đưa về chủ cũ, nơi chị nhận công việc làm vườn khi mới sang, nhưng làm việc lại không được trả lương. Chị Mai có nhờ người làm cùng hỏi thì được chủ cho biết là họ không nhận chị làm nữa. Không còn con đường nào khác, nghĩ đến số tiền phải bỏ ra trước khi đi quá lớn chưa làm được gì để bù lại, chị Mai đành gửi lại va ly hành lý để tự đi tìm việc hái chanh trong vòng 4 tháng. Công việc hái chanh lại phập phù, mỗi tháng chỉ làm 2 tuần, lương không được bao nhiêu. Rồi chị tìm việc chăm cụ bà 97 tuổi được 2 tháng, lại không được trả lương, khi chị hỏi thì họ lại đưa chị ra sân bay về nước.

Lang thang, trải qua nhiều công việc khác nhau ở nơi đất khách quê người, tiếng thì không thạo, chị Mai đành ngậm đắng nuốt cay, vay tiền người cùng đi làm để mua vé máy bay về nước, nếu không thì sẽ bị bỏ tù vì tội cư trú bất hợp pháp. Quá giang qua 5 chuyến bay, đến sân bay nào chị cũng bị yêu cầu phạt tiền nhưng vì chị nhờ nói được là mình bị lừa XKLĐ nên họ đã bỏ qua. Trưa 15/3/2014, chị Mai về đến sân bay Nội Bài, hành trình đi XKLĐ của chị ngỡ như một cơn ác mộng.

Cũng theo lời chị Mai, thì công ty tổ chức đưa đoàn đi trong chuyến bay ngày 1/6/2013 còn có 4 người khác là Phan Thị Loan, Nguyễn Thị Kim, Phạm Tấn Quỳnh và Chu Đình Toàn. “Chỉ riêng chuyến bay này họ đã lừa đảo được 35.000 USD. Trước và sau chuyến bay này đã có rất nhiều người cũng bị lừa để đưa sang đảo Síp”.

Nhiều khuất tất từ công ty dịch vụ xuất khẩu lao động

Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, ngày 17/4, chúng tôi đã liên hệ với ông Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Colecto và được ông Thắng hẹn đến làm việc tại trụ sở Công ty nằm trong khuôn viên Trường bồi dưỡng cán bộ nông nghiệp ở Mai Dịch-Cầu Giấy (Hà Nội) vào sáng 18/4. Tuy nhiên theo lịch hẹn, PV Báo CAND có mặt tại trụ sở công ty thì chỉ có một nữ cán bộ giới thiệu là Đỗ Thị Phương Lan, Trưởng phòng tổ chức hành chính tiếp với lý do ông Thắng bận. Khi được hỏi về đơn hàng đưa người sang Thổ Nhĩ Kỳ, công ty có được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH thẩm định hay không?, vị Trưởng phòng hành chính lúc đầu khẳng định “Công ty có nhiều đơn hàng trình Cục đưa đi Thổ Nhĩ Kỳ, có gửi hợp đồng để thẩm định, đã đưa được người đi rồi, nhưng đưa ít thôi”.

Nhưng sau một cuộc điện thoại mà chị Lan giải thích là gọi cho Phòng thị trường thì lại sửa lại là “em xin lỗi, đấy là thẩm định đi Síp, còn Bắc Síp hay Nam Síp thì em không biết”. Khi được hỏi vậy thì việc Giám đốc Trung tâm đào tạo XKLĐ của Trung tâm là bà Trang, cùng với ông Tịnh, Trưởng phòng và ông Tuấn, PGĐ Công ty đưa đi là trái phép?, thì chị Lan cho biết luôn là công ty đã giải thể Trung tâm từ lâu, anh Tuấn cũng đã nghỉ việc “em sẽ gửi chị Quyết định nghỉ việc của anh Tuấn sau”, còn anh Tịnh thì em không biết.

Còn về trường hợp của chị Mai đã nộp tiền cho người của công ty để làm hợp đồng đi sang Thổ Nhĩ Kỳ làm việc, chị này cũng cho biết, việc này em còn phải kiểm tra xem có phiếu thu hay không?

Với cung cách làm việc này, thì không biết đến khi nào những người lao động đã trót trao tiền để công ty đưa đi XKLĐ mới được giải quyết quyền lợi. Được biết, công ty này trong năm 2013 đã từng bị đình chỉ hoạt động 6 tháng và mới vừa hoạt động trở lại.

Trong khi đó, tại buổi làm việc với PV Báo CAND, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, đến thời điểm này, Cục chưa thẩm định đơn hàng nào đi Thổ Nhĩ Kỳ và cũng chưa ai đi được. Riêng về thị trường Síp thì Cục cũng chỉ thẩm định hợp đồng sang Nam Síp, chủ yếu sang làm vườn, giúp việc gia đình. DN đưa đi phải đăng ký và được Cục thẩm định.

Ông Hải nhấn mạnh, bất kể người lao động nào đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp cần có 2 loại giấy tờ: Giấy phép lao động và Visa cư trú. Hợp đồng lao động bao giờ cũng phải bằng hai thứ tiếng: tiếng Việt Nam và tiếng bản địa. Nếu người lao động nào bị DN thỏa thuận đưa đi Thổ Nhĩ Kỳ cứ làm đơn gửi Cục để Cục có cơ sở yêu cầu kiểm tra và xử lý DN làm sai. Nếu có chứng cứ rõ ràng, Cục có trách nhiệm xử lý sai phạm. Có dấu hiệu lừa đảo sẽ chuyển cơ quan Công an. Trong trường hợp người lao động do người của Công ty thực hiện đưa đi thì người chịu trách nhiệm cao nhất là người đứng đầu.

Như vậy, rõ ràng là việc đưa người sang Thổ Nhĩ Kỳ của Trung tâm đào tạo XKLĐ trực thuộc Công ty Colecto là hoàn toàn không có thực. Và ngay cả việc đưa sang Bắc đảo Síp cũng là vùng chưa được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định, đều là sai phạm. Cùng với đó Trung tâm đã đưa người đi mà không thực hiện theo đúng quy trình đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: không đào tạo tiếng, phong tục tập quán của nước sở tại và giáo dục định hướng trước khi đi…

Cơ quan chức năng cần sớm làm rõ sự việc và xử lý nghiêm những cá nhân, DN vi phạm, gây thiệt hại cho người lao động và làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động XKLĐ. Đây cũng là bài học cho người lao động trước khi đi XKLĐ cần tìm hiểu kỹ thông tin từ nhiều nguồn, đặc biệt là từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, để xem nơi mình sẽ đến làm việc DN có được phép đưa đi hay không

Thu Uyên
.
.
.