Lao động nông thôn: Làm gì để khai thác hiệu quả?

Thứ Năm, 24/03/2005, 08:21
PGS - TS Nguyễn Bảo Vệ - Trưởng khoa Nông nghiệp Đại học Cần Thơ khẳng định: "Nếu tích tụ lao động mà không có thêm công ăn việc làm, không tăng hiệu quả của sản xuất thì thu nhập của nông dân sẽ khó có thể cải thiện".

Tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi được xem là "vựa lúa" của cả nước, từ năm 2000 đến nay, dân số đến tuổi lao động tăng bình quân 270.000 người/năm và chủ yếu bám vào nghề nông. Cả vùng hiện có gần 17 triệu dân, trong đó 14 triệu dân sống ở nông thôn (80%) và canh tác trên diện tích gần 3 triệu ha. Tổng cục thống kê ước tính, bình quân mỗi hộ có 5 - 6 người thì diện tích canh tác mỗi hộ chỉ khoảng 1ha. Qua khảo sát trên cả 3 vùng sinh thái chính của ĐBSCL, lợi nhuận của mỗi ha chỉ được 6 triệu đồng/năm.

Có một nguyên nhân khiến hầu hết người dân ĐBSCL vẫn bám làng quê của mình, làm nghề nông là do bỏ ra một đồng vốn thu được một đồng lời và mặt hàng lúa gạo lúc nào cũng tiêu thụ được. “Do diện tích đất của mỗi hộ chỉ gỏn gọn 1 ha nên mức thu nhập như thế là chưa đáp ứng được mức sống của nhiều hộ dân" - TS Nguyễn Bảo Vệ cho biết.

Theo Tổ chức lương nông của LHQ (FAO), tỉ lệ lao động nông nghiệp (trên tổng số lao động) của Việt Nam hiện còn đến 67%. So với các nước cùng khu vực ASEAN, thì tỉ lệ này quá cao (Thái Lan chỉ 56%, Indonesia 48%, Philippines 39%, Malaysia 18%). Đã vậy, trong hơn 20 năm qua, tỉ lệ này ở ta được kéo giảm chậm so với các nước kể trên từ 2 - 4 lần.

Tôi từng ghé thăm làng nghề xe chỉ sơ dừa xuất khẩu tập trung hàng trăm cơ sở tại Mỏ Cày (Bến Tre). Hàng ngàn lao động nơi đây ngày đêm hăng say bám việc. Mức thu nhập của họ khá ổn định và cao hơn so với nghề thuần nông. Theo một báo cáo của Bộ Thương mại, hiện mặt hàng thủ công mỹ nghệ đứng vị trí thứ 8 trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Năm 2005, dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này đạt từ 900 triệu đến 1 tỉ USD, tương đương giá trị xuất khẩu 4 triệu tấn gạo và giải quyết việc làm khoảng 2,4 triệu lao động.

Mục tiêu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mà Chính phủ ta đặt ra là: Chuyển dịch nhanh, hiệu quả và bền vững, song tránh tình trạng nông dân chuyển dịch tự phát, ồ ạt, thiếu bền vững, làm ảnh hưởng đến cây con khác và phá vỡ môi trường sinh thái.

Không có việc, nông dân kéo nhau lên các vùng đô thị.

Theo PGS - TS Nguyễn Bảo Vệ, ngoài nỗ lực tăng tốc phát triển các lĩnh vực kinh tế khác, Việt Nam cần tập huấn cho nông dân "nông đức" - có trách nhiệm với môi trường, với đất canh tác, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng "canh tác tích hợp" - tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên chứ không phải tối đa hóa việc tạo ra một loại nông sản đơn lẻ.

“Nhà nước cần chú trọng đến nhu cầu bức xúc hiện nay là chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông hộ. Tất nhiên, việc chuyển cơ cấu sản xuất nông hộ với chuyển cơ cấu kinh tế hợp lý phải được thực hiện song hành, nhịp nhàng”, TS Nguyễn Bảo Vệ nói

Thái Bình
.
.
.