Lao động ngành Da giày ở Hải Phòng: Lại... "ăn đong"?

Thứ Bảy, 23/05/2009, 10:57
Từ đầu tháng 3/2009 đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) da giày Hải Phòng thay vì cắt giảm, điều chỉnh nhân công, lại phải chạy đôn, chạy đáo tìm lao động. Đây là tín hiệu mừng, nhưng cũng báo hiệu nhiều khó khăn mới phát sinh, đòi hỏi các DN da giày phải nhạy bén hơn để có các cơ chế, chính sách hài hoà, phù hợp, thỏa đáng đối với người lao động, đảm bảo cho DN ổn định và phát triển.

Hải Phòng hiện có 40 DN da giày, thu hút hơn 5 vạn lao động. Từ cuối năm 2008 và nửa đầu quý I năm 2009, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến hàng loạt DN da giày Hải Phòng nhận được ít đơn hàng, thiếu việc làm, phải điều chỉnh, cơ cấu lại lao động.

Bên cạnh một số DN, do dự báo được tình hình, đã tìm mọi biện pháp để duy trì được đội ngũ lao động của mình, trong đó phải kể tới 2 DN có lực lượng lao động đông nhất là: Công ty TNHH Đỉnh Vàng (hơn 20.000 công nhân) và Công ty Da giày Hải Phòng (hơn 10.000 công nhân). Nhưng cũng không ít DN, vì quá khó khăn, đã chủ động cắt giảm nhân công để đảm bảo an toàn cho mình, bằng cách cho nghỉ phép, nghỉ luân phiên để… chờ việc (!?).

Về phía người lao động trong các DN da giày, vì hầu hết xuất thân từ các vùng nông thôn, lại ở các tỉnh xa tới, rất khó khăn về nhà ở và điều kiện sinh hoạt nói chung. Trong khi đó, phải nghỉ chờ việc cũng đồng nghĩa với không có thu nhập, buộc họ phải tìm đường mưu sinh, bằng cách kiếm việc khác hoặc về quê làm ruộng. Tóm lại, ngoài lao động do DN chủ động cho nghỉ việc ra, số công nhân tự động bỏ việc vì lý do nêu trên cũng không ít.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đỉnh Vàng, trong lúc lao động của Công ty biến động như vậy, thì từ tháng 3/2009 đến nay, đơn hàng về DN ngày một nhiều lên. Đây là tín hiệu vui cho DN, song cũng đặt ra cho DN không ít khó khăn. Bởi cần phải tuyển nhanh, tuyển gấp lao động để bổ sung cho nguồn nhân lực hụt giảm thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, tuyển lao động lúc này đâu có dễ, nhất lại đối với lao động ngành Da giày, nơi được coi là lựa chọn cuối cùng của những lao động phổ thông không có trình độ, không có tay nghề. Bởi cường độ lao động của công nhân ở đây thường cao hơn những ngành khác, trong khi người lao động lại muốn những công việc có thu nhập vừa cao hơn lại vừa có thời gian để nghỉ ngơi hoặc vui chơi, giải trí.

Vì lẽ này, mặc dù đã phải chạy đôn, chạy đáo, nhưng cả tháng 3 vừa qua, Công ty Đỉnh Vàng cũng mới tuyển dụng được 32 người, tháng 4 tuyển được 527 lao động và tổng số tuyển mới cho đến nay mới đạt hơn 1.000 lao động. So với yêu cầu thực tế vẫn còn thiếu nhiều. Chưa kể, DN lại phải mất thời gian và tiền bạc để đào tạo lại số lao động mới này.

Có một thực tế, phần lớn DN da giày ở Hải Phòng do "hổng" về nhân lực vừa qua, mặc dù tuyển mới nhưng vẫn thiếu nên việc công nhân phải làm thêm giờ, thêm ca là điều khó tránh. Điều này không đơn giản chỉ làm phát sinh thêm tiền lương, tiền phụ cấp, gây khó khăn thêm cho DN, mà còn tạo áp lực cho người lao động.

Bởi, có đến 80% công nhân da giày là nữ, chị em không chỉ cần có điều kiện để nghỉ ngơi, mà còn cần có thời gian để thực hiện các thiên chức khác trong gia đình ngoài giờ lao động ở nhà máy, xưởng thợ. Chưa nói, hầu hết công nhân ở các DN da giày hiện vẫn phải tự lo nhà ở (trừ Công ty Giày Liên Dinh thuộc Công ty TNHH Đỉnh Vàng), trong khi đó, các nữ công nhân đa phần lại ở ngoại tỉnh.

Với mức lương bình quân cho lao động mới vào 1 triệu đồng/người/tháng, thật khó để họ có thể xoay xỏa. Và điều này, dù không muốn, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu suất công việc và nhất là, tới sự ổn định lâu dài của DN.

Để khắc phục và cũng là để tránh lặp lại tình trạng lao động đình công, tự động bỏ việc, gây bất ổn cho DN da giày như hồi năm 2008, nên chăng Hải Phòng cần chỉ đạo các ban, ngành, đơn vị liên quan hỗ trợ cho các DN da giày của địa phương, đặc biệt là hỗ trợ đào tạo nghề và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân. Bởi ngành Da giày là khu vực có số lượng lao động đông nhất và kim ngạch xuất khẩu cũng chiếm tỉ trọng lớn nhất so với các ngành sản xuất công nghiệp khác của Hải Phòng.

Tuy nhiên, cả trước mắt cũng như lâu dài, nỗ lực của DN vẫn là cơ bản nhất. Bởi lẽ, nếu các DN da giày không chuyển biến trong tư duy, nhạy bén trong các cơ chế, chính sách và nhất là, không có sự đồng cảm, chia sẻ, có trách nhiệm với cuộc sống của người lao động, mà chỉ biết khai thác cường độ làm việc của họ thì chắc chắn, sẽ khó có cơ hội giữ chân được người lao động làm việc lâu dài, tạo sự ổn định, để DN phát triển

Lệ Thu
.
.
.