Hàng trăm trang trại chăn nuôi ở Bình Dương:

Lao đao vì thịt gà siêu rẻ nhập từ Mỹ

Thứ Ba, 11/08/2015, 08:28
Thời gian gần đây, thịt gà nhập khẩu từ Mỹ bày bán rất nhiều ở các siêu thị, chợ trên địa bàn tỉnh Bình Dương với giá siêu rẻ. Tại siêu thị Metro, giá đùi gà chỉ là 33.000 đồng/kg ,ở một số chợ trên địa bàn TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) giá chỉ từ 40.000-45.000 đồng/ kg.
Sự xuất hiện thịt gà siêu rẻ đem lại nguồn lợi nhiều nhất là các nhà hàng, cơ sở chế biến suất ăn công nghiệp và các quán cơm bình dân nhưng lại gây không ít khó khăn cho ngành chăn nuôi gà ở Bình Dương cũng như các tỉnh miền Đông Nam Bộ - nơi cung cấp 70% lượng thịt gà cho khu vực phía Nam. Tỉnh Bình Dương hiện có 150 trang trại chăn nuôi gà với 2,5 triệu con, 6 công ty chế biến thịt gà cũng như nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác đang lao đao trước thịt gà siêu rẻ được nhập từ Mỹ.

Chị Nguyễn Thị Yến, chủ trang trại gà ở xã An Điền (thị xã Bến Cát) lo lắng: “Trước đây, giá gà thương phẩm ở mức 30.000-35.000 đồng/kg. Nay trước sự cạnh tranh của thịt gà Mỹ, chỉ còn 22.000-25.000 đồng/ kg. Giá giảm mạnh nhưng sức mua lại không cao nên rất khó xuất bán, trong khi đó  thức ăn gia súc, thuốc thú y… lại không giảm. Hiện trang trại của tôi đang nuôi 17.000 con gà đã đến thời kỳ xuất bán. Đã nhiều lần chào bán nhưng chưa thấy ai đến mua. Nếu tình trạng này kéo dài, mỗi ngày tôi phải tốn từ 1,5-2 triệu đồng tiền thức ăn, nếu bán được lứa gà này tôi sẽ lỗ vài trăm triệu đồng”.

Gà nuôi gia đình cũng chung số phận như gà nuôi trang trại.

Đến trang trại gà của chị Nguyễn Thị Loan ở ấp An Mỹ, xã An Sơn (TX Thuận An). Hiện chị Loan đang nuôi 10.000 con gà thịt trong đó có 5.000 con đã đến thời kỳ xuất bán. Gọi mãi mà chẳng có ai đến mua, chị đành phải cho ăn cầm chừng để chờ. Không chỉ các trang trại chăn nuôi gà ở Bình Dương lao đao trước sự xuất hiện thịt gà siêu rẻ được nhập từ Mỹ mà các trang trại khác trên địa bàn miền Đông Nam Bộ cũng đang phải chịu chung số phận.

Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2015, ngành chăn nuôi khu vực miền Đông Nam Bộ với quy mô hơn 3.000 trang trại đã phải chịu thua lỗ trên 500 tỉ đồng. Riêng các chủ trong trại gà ở Bình Dương thua lỗ cũng khoảng từ 70 – 80 tỉ đồng; đối với hàng ngàn hộ chăn nuôi gà thả vườn ở Bình Dương cũng không khỏi bị mất vốn, thua lỗ.

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương cho rằng: “Giá thịt gà Mỹ nhập vào thị trường Việt Nam được bán với giá quá rẻ như vậy chắc chắn là có vấn đề bất thường. Hiện chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với các ngành chức năng tiến hành thu thập thông tin để làm rõ. Trong bối cảnh kinh tế quốc tế, việc hàng ngoại cạnh tranh ngay trên chính thị trường nội địa là điều không thể tránh khỏi. Để cạnh tranh lành mạnh và tồn tại, việc đầu tiên là người chăn nuôi phải chủ động thay đổi tư duy sản xuất. Cần phải liên kết với nhau tạo thành chuỗi vững chắc từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chủ động nguồn con giống, thức ăn, thuốc thú y… để hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Theo các chủ trang trại gà ở Bình Dương, vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay đối với ngành chăn nuôi gà là bản thân mỗi con gà phải gánh trên mình 14 loại phí kể từ lúc nuôi đến khi xuất chuồng. Mặt khác người chăn nuôi gà Việt Nam đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu từ nước ngoài, các chủ trang trại cũng gặp không ít khó khăn trong việc ổn định giá đầu vào, tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, đủ năng lực cạnh tranh.

Ngọc Ánh
.
.
.