Lãng phí và ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp

Thứ Sáu, 03/01/2014, 07:40
Cả nước cũng mới chỉ có hơn 40 trong số 614 cụm CN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. vẫn còn đến 75% số KCN và 85% số cụm CN ở đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc hệ thống này không đạt chuẩn. Chỉ tính riêng với 288 KCN, cụm sản xuất công nghiệp và 119 cơ sở chế biến thủy sản ở khu vực này đã thải ra đến 47 triệu m3 nước thải/năm.

Theo GS.TS Võ Thanh Thu, thành viên hội đồng tư vấn chính sách của VCCI, đến nay cả nước đã có trên 290 KCN và khu công nghệ cao. Trong đó đã có gần 64% đi vào hoạt động và gần 1.000 cụm công nghiệp, khu công nghiệp nhỏ do các địa phương quản lý.

Các KCN - KCX cũng đã thu hút được trên 3.900 dự án FDI với số vốn đăng ký gần 54 tỷ USD và trên 4.660 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký khoảng 310 ngàn tỷ đồng. Hàng năm, các KCN = KCX sản xuất ra lượng hàng hóa trị giá 33 tỷ USD, chiếm 40% giá trị sản xuất công nghiệp và chiếm một nửa giá trị hàng hóa xuất khẩu; nộp ngân sách mỗi năm khoảng 20 ngàn tỷ và giải quyết việc làm cho 1,5 triệu lao động…

Song GS.TS Võ Thanh Thu cũng cho rằng, việc phát triển các khu công nghiệp một cách ồ ạt đã để lại nhiều tồn tại. Cụ thể khu vực đồng bằng sông Cửu Long quy hoạch 74 KCN và 214 cụm công nghiệp với diện tích đất lên đến 42.559 ha nhưng đến nay tỷ lệ lấp đầy vẫn rất thấp. Các KCN còn đến 60% diện tích đất quy hoạch bị bỏ hoang và tỷ lệ này ở các cụm công nghiệp là 72,5%.

Tình trạng lãng phí và ô nhiễm diễn ra khá phổ biến tại các khu công nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN.

Ngay tại TP Hà Nội, dù quy hoạch 19 KCN - KCX tập trung, 40 KCN nhỏ và cụm CN, thì đến nay số KCN đi vào hoạt động mới được một nửa. Quy hoạch KCN, cụm CN tăng nhanh, nhưng tỷ lệ lấp đầy bình quân của cả nước mới đạt 46%. Trong khi đó, 1 ha đất sạch làm KCN giao cho chủ đầu tư có chi phí bình quân từ 3,5 - 4 tỷ đồng, thì với hàng chục ngàn ha đất các KCN, cụm CN còn đang bị bỏ hoang, các địa phương đang để lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng. Đó là chưa kể đời sống người dân trong vùng quy hoạch KCN gặp khó do vướng quy hoạch treo.

Cũng theo GS.TS Võ Thanh Thu, tồn tại lớn thứ 2 trong quy hoạch phát triển các KCN là vấn đề môi trường khi vẫn còn đến 75% số KCN và 85% số cụm CN ở đồng bằng sông Cửu Long chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc hệ thống này không đạt chuẩn. Chỉ tính riêng với 288 KCN, cụm sản xuất công nghiệp và 119 cơ sở chế biến thủy sản ở khu vực này đã thải ra đến 47 triệu m3 nước thải/năm. Do vậy kết quả phân tích với 20 mẫu nước mặt trên sông Hậu gần các KCN Trà Nóc 1 và 2 đều vượt quá mức ô nhiễm cho phép.

Tuyến kênh ô nhiễm do xả thải không qua xử lý từ các KCN của TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Tại khu vực miền Đông Nam bộ, nơi có lượng nước thải chiếm gần một nửa nước thải từ các KCN của cả nước, tỷ lệ các KCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung cũng chỉ mới đạt 66% và ước tính có đến 70% lượng nước thải từ các KCN được xả thẳng ra môi trường không qua xử lý. GS.TS Võ Thanh Thu còn cho rằng, việc phát triển KCN quá nhanh thời gian qua còn để lại một loạt tồn tại về vấn đề xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại…

Phó GS.TS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường cũng thông tin, tổng lượng nước thải theo thiết kế của các KCN đã đi vào hoạt động là 592.000m3/ngày đêm, trong khi thực tế lượng nước thải phát sinh từ 179 KCN đang hoạt động vào khoảng 622.773m3 và lượng nước thải được xử lý chỉ có 362.450m3/ngày đêm, đạt khoảng 58%, còn lại khoảng 42% không được xử lý và xả thẳng ra nguồn nước.

Cả nước cũng mới chỉ có hơn 40 trong số 614 cụm CN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại các KCN, cụm CN, nguồn phát sinh nước thải sản xuất lớn chủ yếu do hoạt động sản xuất của các ngành dệt nhuộm, chế biến thực phẩm, chế biến thủy - hải sản, thuộc da, xi mạ, sản xuất giấy… là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước xung quanh.

Kết quả quan trắc phân tích nước thải các KCN của nhiều địa phương còn thể hiện: Với các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tất cả 18 thông số ô nhiễm của nước thải đều vượt quy định cho phép trên 2 lần. Tình trạng này khiến môi trường nước mặt, nơi tiếp nhận nước thải từ các KCN, cụm CN ở hầu hết các tỉnh, thành đều bị ô nhiễm. Hàng năm các KCN trên cả nước đã thải ra khoảng 3,44 triệu tấn chất thải rắn, trong đó có 840 ngàn tấn chất thải nguy hại.

Trước thực trạng trên, từ năm 2010, đến nay Bộ TN&MT đã tổ chức trên 300 lượt thanh tra các cơ sở sản xuất trong các KCN trên cả nước. Kết quả thanh tra đã phát hiện nhiều vi phạm, qua đó kiến nghị xử lý đối với 73/269 cơ sở được thanh tra, đề nghị xử phạt với tổng số tiền 10,9 tỷ đồng. Kết quả thanh tra còn cho thấy, 9/25 KCN chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại…

Đ.Thắng
.
.
.