Làng nghề mạnh nhờ có thương hiệu

Chủ Nhật, 25/09/2011, 15:44
Sở Công thương Hà Nội đã hỗ trợ 7 làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố xây dựng thương hiệu nhằm tạo điều kiện để các làng nghề quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Đó là các làng nghề: bánh tẻ Phú Nhi (thị xã Sơn Tây), bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì), khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), thêu Quất Động (huyện Thường Tín) và hiện đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho làng nghề dát vàng quỳ bạc quỳ Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm), sơn mài Duyên Thái (huyện Thường Tín).

Sau khi xây dựng, các làng nghề đã phát triển tốt thương hiệu, nhiều người biết tới sản phẩm làng nghề, sức tiêu thụ tăng cao; đặc biệt là bánh tẻ Phú Nhi, bánh chưng Tranh Khúc. Đối với các làng nghề khác, nhất là các làng có sản xuất phát triển, doanh thu cao, thu hút nhiều lao động tham gia sẽ được Sở Công thương Hà Nội xem xét, đưa vào chương trình phát triển thương hiệu của thành phố trong những năm tiếp theo.

Thương hiệu giúp sản phẩm của các làng nghề "đi xa" hơn. Ảnh: Bánh tẻ Phú Nhi ngày càng được nhiều người biết đến.

Hà Nội hiện có 1.350 làng có nghề, chiếm 59% tổng số làng trên địa bàn với 244 làng nghề truyền thống. Nhiều nhóm nghề phát triển mạnh như gốm sứ, dệt may, da giày, điêu khắc, sơn mài, thêu ren… tạo giá trị doanh thu cao, giải quyết việc làm cho hơn nửa triệu lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, đa phần các làng nghề còn phát triển tự phát, phân tán, thiếu bền vững, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh chưa cao do vậy các làng nghề chưa phát huy hết lợi thế của mình. Đặc biệt, khi chưa có thương hiệu, các làng nghề gặp nhiều hạn chế trong quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh

Thanh Tùng
.
.
.