Bình Định:

Làng mắc nợ… bao giờ hết nợ?

Thứ Năm, 29/06/2006, 08:18
Tính từ mùa tôm thất bại vào năm 2001 đến nay, số tiền mà cả làng Huỳnh Giảng nợ ngân hàng là 23 tỷ đồng vẫn chưa trả được một đồng tiền lãi.

Chiều thứ bảy, trụ sở UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vắng hoe, còn duy nhất mỗi Phó Chủ tịch HĐND xã là ông Võ Văn Thành. Không để chúng tôi giới thiệu, ông Thành đã oang oang: "Nhà báo về Huỳnh Giảng tìm hiểu nuôi tôm phải không? Để tôi chỉ cho. Bà con ở đây khổ lắm, chết chìm người xuống đáy mà nợ cứ nổi lềnh dềnh trên mặt nước"…

Anh Võ Hữu Quế, Trưởng thôn Huỳnh Giảng (cũng là một con nợ chìm đầu) kể: "Ở Huỳnh Giảng nghề nuôi tôm là nghề truyền thống từ xưa đến nay. Hồi trước dân nuôi tôm trúng lắm, từ mua cái xe máy đến làm cái nhà cũng khỏe re. Có những vụ trúng lớn, người làng tôi thu lãi bình quân 1ha từ  70 - 100 triệu đồng mỗi năm. Hồi đó, Huỳnh Giảng là lá cờ đầu trong làm ăn kinh tế ở xã này. Còn bây giờ bà con của làng đã là "dắt díu nhau đi dưới bóng nợ nần""…

Thống kê của Trưởng thôn Quế, làng Huỳnh Giảng với 520 hộ gia đình khoảng 3.000 nhân khẩu thì đã có 400 hộ nuôi tôm, số dân còn lại không nuôi tôm cũng chỉ vì diện tích mặt hồ không còn đủ để canh tác. Tính từ mùa tôm thất bại vào năm 2001 đến nay, số tiền mà cả làng nợ ngân hàng là 23 tỷ đồng vẫn chưa trả được một đồng tiền lãi.

Ông Quế tính toán: "23 tỷ đồng đó chỉ là tiền nợ ngân hàng thôi đấy. Lãnh đạo các cấp còn chưa biết đến những khoản nợ khác của dân đâu, nào là tiền vay nóng, vay nguội, lương thực, giống, tiền lãi... thôi thì hàng trăm thứ nợ. Cứ mỗi mùa tôm thất bại thì món nợ lại càng chồng chất, bây giờ cộng tất cả thì làng này cũng nợ trên 30 tỷ rồi".

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Bí thư chi bộ thôn kể: "Năm 2001, lần đầu tiên người dân Huỳnh Giảng áp dụng nuôi tôm theo kiểu công nghiệp. Mua con giống từ tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, quy hoạch lại hồ, thay đổi thức ăn, tái tạo lại nguồn nước... chi phí lớn hơn trước gấp mấy lần. Ai ngờ, ngay vụ đầu tiên, cả làng bị lỗ vỡ mặt”. 

Ông Ngô Văn Thái than thở: 4 năm thua liên tiếp, giờ nuôi nữa cũng chết mà bỏ cuộc cũng chết. Đằng nào cũng chết, thôi thì coi như đánh bạc với trời. Nợ cứ để đó, đời tui không trả được thì con tui, cháu tui trả... Bây giờ dân chúng tôi cũng chẳng còn cách nào hơn là cứ tiếp tục gắng gượng. Có tiền thì phải đầu tư vào vụ tôm tiếp theo, mà chắc chắn cũng chẳng ăn thua. Nhưng không làm tôm tiếp biết lấy gì để sống?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến những lần thua lỗ tôm đau đớn ở làng Huỳnh Giảng là nguồn nước cấp cho đầm Thị Nại ngày càng bị khan hiếm, nhất là những tháng hạn hán, trong khi các vụ tôm hằng năm ở đây lại chủ yếu được bắt đầu từ tháng 3 đến cuối tháng 6. Ngoài ra, ông Võ Hữu Quế cũng cho rằng, những năm bà con đưa mô hình nuôi công nghiệp nguồn tôm giống nhập về đã không được đảm bảo vì thế gây nên thua lỗ.

Ông Võ Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã nói: "Chúng tôi tìm lối thoát cho vấn đề này đã 5 năm rồi mà vẫn không thể tìm ra lời giải đáp". Một cán bộ ở Ngân hàng NN-PTNT tỉnh Bình Định cho biết họ đã không còn cách nào hơn là khoanh nợ cho bà con...

Bao giờ người dân làng Huỳnh Giảng thoát khỏi "kiếp nợ nần"? Hơn hai năm trước một tờ báo địa phương cũng đã hỏi như thế, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Thôn Huỳnh Giảng vẫn tiếp tục chìm trong cảnh "đánh bạc với tôm" ngày thêm lún sâu vào nợ, không biết đến bao giờ mới dứt

Nguyễn Kiên Tùng
.
.
.