Lạm phát năm 2019 sẽ thấp hơn 2018

Thứ Sáu, 05/07/2019, 09:05
Lạm phát năm 2019 có thể dưới mức 3%- đây là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo diễn biến thị trường giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo năm 2019, do Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức sáng 4-7. 


Dựa trên tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm, đồng thời phân tích những ảnh hưởng của những yếu tố tác động đến rổ hàng hóa tính CPI, Cơ quan Quản lý giá cũng cho rằng CPI năm 2019 hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát

CPI bình quân tăng thấp nhất trong vòng 3 năm

Số liệu từ Cục Quản lý giá cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, CPI đã duy trì tốc độ tăng theo đúng theo kịch bản được Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo từ đầu năm. CPI bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 2,64% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. 

“Có thể thấy diễn biến CPI 6 tháng đầu năm vẫn trong kiểm soát và ở mức thấp so với mặt bằng giá nhiều năm trở lại đây. Trên cơ sở đó, nếu không có các diễn biến quá bất thường thì việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao là nằm trong tầm kiểm soát của Chính phủ”, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá nhận định.

Phân tích cụ thể hơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Truyền cho biết, nguyên nhân góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo do giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào, giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ cuối tháng 5 đến nay, giá dịch vụ viễn thông tiếp tục giảm… 

Dự báo 6 tháng cuối năm, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được đảm bảo.

Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cân đối cung cầu, tăng cường thanh kiểm tra, điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý với mức độ và thời điểm phù hợp, hạn chế tác động đến giá cả chung và lạm phát kỳ vọng.

Dự báo về diễn biến CPI trong những tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, những yếu tố tác động lên mặt bằng giá có thể kể đến như: Biến động phức tạp của giá xăng dầu thế giới theo diễn biến phức tạp về địa – chính trị; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (y tế, giáo dục) theo lộ trình thị trường; việc điều chỉnh tiền lương cơ sở; yếu tố rủi ro về dịch bệnh, thiên tai và thời tiết bất lợi có thể tác động đến mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm (thịt lợn)… 

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố có thể làm giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Giá một số mặt hàng dự báo ổn định như dịch vụ bưu chính, giá giảm như: dịch vụ viễn thông, mặt hàng đường; nguồn cung cầu thị trường các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn được đảm bảo; bên cạnh đó, lạm phát cơ bản, tỷ giá, lãi suất hiện vẫn đang được điều hành ổn định. 

Căn cứ việc cập nhật diễn biến CPI 6 tháng đầu năm cơ bản diễn biến theo kịch bản đã đề ra và ở mức thấp, với các dự báo về các yếu tố tác động đến CPI 6 tháng cuối năm nêu trên, dự báo CPI năm 2019 có khả năng sẽ xoay quanh mức khoảng 3,5%.

Lạm phát dưới 3%?

Không phải chỉ cơ quan quản lý giá, các chuyên gia cũng nhận định việc thực hiện mục tiêu CPI dưới 4% là hoàn toàn có thể đạt được. 

Một số ý kiến còn cho rằng, CPI có thể ở mức dưới 3%. TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm, ông đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát, thấp ở mức 2,5%, trung bình lạm phát ở mức 3% và kịch bản lạm phát cao là 3,54%. 

“Sau khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm ở mức 2,64%, có thể thấy rằng nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ theo kịch bản thấp” - TS. Nguyễn Đức Độ nhận định. 

Ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, giá xăng dầu trong thời gian tới sẽ khó tăng mạnh; tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng ổn định, cho nên lạm phát tổng thể từ nay đến cuối năm dự báo sẽ dao động trong khoảng 1,2% - 2,5%, tức là xoay quanh mức lạm phát cơ bản. Lạm phát trung bình cả năm 2019, bởi vậy sẽ xoay quanh mức 2,5%.

Dự báo thận trọng hơn, TS. Nguyễn Ngọc Tuyến nhận định, từ nay đến cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng sẽ không thuận lợi như những tháng đầu năm vì một số áp lực tăng giá đã xuất hiện, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; dịch tả lợn châu Phi chưa được ngăn chặn; việc tiếp tục điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ theo lộ trình…, do đó cần có các biện pháp đồng bộ, quyết liệt để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá. 

Tương tự, TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho rằng, lạm phát năm 2019 có thể kiểm soát ở mức dưới 4%. Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện các chính sách kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đang được thực hiện ổn định từ năm 2011 đến nay; đồng thời kết hợp chính sách hỗ trợ tăng trưởng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa ở mức độ hợp lý. 

Ngoài các giải pháp nêu trên, cần đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tăng giá đột biến và thực hiện bình ổn giá vào các dịp lễ, Tết.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá dự báo 2 kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 trong khoảng từ 3,17 – 3,41%. Kịch bản đưa ra cho thấy CPI năm 2019 sẽ tăng thấp hơn năm 2018, do vậy các mặt hàng điều hành giá theo lộ trình còn dư địa xem xét vào quý IV-2019.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cũng đồng tình với dự báo này, và nhận định kịch bản lạm phát bình quân năm 2019 ở mức từ 3,17 – 3,41%, thấp hơn mục tiêu đã đề ra tại kỳ điều hành trước là từ 3,3 – 3,9%.

Hà An
.
.
.