Làm gì để chống “chảy máu vàng đen”?

Thứ Bảy, 26/04/2008, 09:11
Khi chúng tôi xuống hiện trường, những người có trách nhiệm ở đây một lần nữa xác định việc độc quyền là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thất thoát, tiêu cực, buôn lậu than. Điều này đồng nghĩa, không xoá bỏ độc quyền, không xóa bỏ sự chi phối gần như tuyệt đối của ngành Than thì việc chống xuất lậu, chống vi phạm pháp luật trong kinh doanh, chống "chảy máu vàng đen" không thể giảm nhiệt.
>> 1.500 tỷ đồng từ than lậu vào túi ai?

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, ngay từ năm 2001, Bộ Công nghiệp đã giao gần như toàn quyền cho Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam).

Tại điểm 6, Thông tư số 02, ngày 27/4/2001 của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) quy định về xuất khẩu than mỏ: Theo quy định này, Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam gần như tuyệt đối trong khai thác, kinh doanh, còn doanh nghiệp ngoài tập đoàn này nếu có cũng chịu sự chi phối hoàn toàn.

Cuối năm 2007, theo đề nghị của Tập đoàn Than, khoáng sản, Bộ Công thương "mở cửa", đưa than thành hàng kinh doanh có điều kiện, khởi điểm của việc xuất lậu than ồ ạt như vừa qua.

Tại khoản 2, Thông tư số 04/2007/TT-BCT ngày 22/10/2007 của Bộ Công thương, quy định: "Than là mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ, cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, bao gồm tất cả các loại than hóa thạch và than có nguồn gốc hoá thạch dưới dạng nguyên khai hoặc đã qua chế biến".

Vì lẽ đó, tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh vừa qua, đồng chí Trương Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đánh giá: Qua sự việc vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác than ở Quảng Ninh cho thấy chiến lược an ninh năng lượng quốc gia của đất nước chưa được quán triệt tốt, một bộ phận cán bộ, nhân dân còn nhận thức về vấn đề an ninh năng lượng quốc gia rất yếu kém, cụ thể quan điểm chỉ coi than là một mặt hàng kinh doanh có điều kiện...

Độc quyền - giải quyết như thế nào? Dưới đây là các cuộc trao đổi của chúng tôi với những người có trách nhiệm, thẩm quyền.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Duy Hưng: "độc quyền, tự khai thác, tiêu thụ tất nảy sinh tiêu cực"!

Nếu để tình trạng này kéo dài, Nhà nước mất nguồn lợi than rất lớn; xảy ra tình trạng đào bới toe toét, môi trường sống bị ảnh hưởng; gây mất an ninh trật tự, một số băng nhóm tranh giành nhau, dùng dao kiếm tự tạo, súng ống thanh toán lẫn nhau; mất cán bộ kể cả trong và ngoài ngành than.

Thấy lợi, nhiều người bỏ tiền vào đầu tư khai thác, hùn vốn đưa than đi Trung Quốc bán còn bản thân một số người ở cửa khẩu thì có thể nhận tiền mãi lộ rồi cho đi. Kiểm tra nhiều tàu không có hoá đơn hoặc có hoá đơn nhưng đều là công ty ma đã giải tán từ lâu, có giám đốc công ty đang ở trại cải tạo hoặc đã chuyển sang làm việc khác...

Tuy nhiên, đây chỉ là cái ngọn. Gốc gác phải đề nghị Nhà nước xem lại cơ chế đối với ngành Than.

Thứ nhất, ngành Than hiện độc quyền sản xuất, tiêu thụ. Đã độc quyền rồi thì muốn cho ai vào sản xuất, tiêu thụ cũng được. Bộ Công thương cần xem lại việc quản lý đối với ngành Than, không xoá bỏ độc quyền, sẽ mất nhiều thứ.

Thứ hai, ranh giới quản lý ngành Than rất rộng, nếu để như vậy sẽ không quản được. Than không phải mặt hàng cấm khai thác, cần khoanh ô vuông để khai thác, tổ chức có đủ điều kiện đều có thể thực hiện. Còn nếu độc quyền, tự khai thác, tiêu thụ, không có cạnh tranh tất nảy sinh tiêu cực.

Thứ ba, Nhà nước cần xem xét lại việc phân phối than theo kế hoạch, nếu phân phối theo kiểu này thì quản lý thế nào. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ mấy việc: Phải cấm xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, chỉ xuất khẩu chính ngạch. Nếu không cho xuất tiểu ngạch thì than thổ phỉ đào bới ra cũng chẳng để làm gì bởi bán cho lò gạch, lò vôi, số than ấy cũng chẳng đáng bao nhiêu.

Làm được điều này, chúng tôi rất dễ quản. Trong xuất khẩu cũng quy định hạn ngạch, không nên làm dễ dãi như hiện nay. Than là tài nguyên có hạn, nếu xuất khẩu ồ ạt như hiện nay thì sau này đến lúc chúng ta phải nhập than, cho nên về lâu dài phải tiến tới ngừng xuất khẩu than.

Đại tá Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh: "Độc quyền nhưng năng lực khai thác lại hạn chế"

Qua kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về than, chúng tôi nhận thấy có nhiều nguyên nhân căn bản. Thứ nhất, do mặt hàng than hiện có lợi nhuận cao (từ đầu năm đến nay, Tập đoàn Than, khoáng sản đã tăng giá tiêu thụ nội địa). Mặt khác, nếu đưa than xuất khẩu sang Trung Quốc thì có sự chênh lệch lớn về giá, trong khi sản lượng tài nguyên than nằm rải rác trên phạm vi rộng ở tất cả các địa bàn trong và ngoài ranh giới mỏ, nhiều nơi xen lẫn khu dân cư nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, vấn đề quan trọng, đó là ngành Than đang được giao độc quyền về sản xuất, kinh doanh than. Trong khi độc quyền, than phát triển nóng, năng lực khai thác lại hạn chế, cùng với chủ trương tận thu than, hợp đồng các phương tiện và lực lượng tư nhân bên ngoài vào khai thác ở một số khai trường, công  tác quản lý khai trường rộng không theo kịp nên rất lỏng lẻo trong khai thác, tiêu thụ.

Thứ ba, do chính sách, quy định than không phải là mặt hàng quản lý, xuất khẩu tiểu ngạch có hạn ngạch, chỉ là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên hiểu việc kinh doanh than một cách đơn giản.

Việc giao chỉ tiêu xuất khẩu, cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh, quản lý các phương tiện tỉnh ngoài đến Quảng Ninh vận chuyển than với khối lượng hàng chục triệu tấn (cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu) với hàng vạn lượng phương tiện, gây khó khăn việc kiểm soát xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc trên tuyến vận tải biển. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác về chính sách hoàn thuế VAT, quy định quản lý than cuối nguồn...

Đại tá Trần Hữu Khoan, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng I: "Khi xác minh, tập đoàn than, khoáng sản nói đúng thủ tục thì chúng tôi phải thả tàu"!

Trao đổi qua điện thoại sáng 25/4 về việc một số ý kiến cho rằng, Cảnh sát biển làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên vùng biển có các tàu chở than lậu tấp nập ra vào, có lực lượng, phương tiện hùng mạnh nhưng lực lượng này buông lỏng kiểm tra, sơ hở không xử lý, Đại tá Trần Hữu Khoan, Chỉ huy trưởng Cảnh sát biển vùng I nói: "Chúng tôi chỉ như anh CSGT đứng ở đường, sai thì xử lý sai về hàng hải. Buôn lậu, gian lận thương mại, chúng tôi chỉ xử lý khi phát hiện có dấu hiệu.

Còn khu vực kiểm soát của chúng tôi từ vùng biển Đông Bắc đến đảo Cồn Cỏ. Kiểm soát ở Vạn Gia do các đồng chí thuộc Hải quan, Biên phòng đảm nhiệm, thủ tục, thẩm quyền do các lực lượng ở đây xử lý.

Khi phát hiện, tổ tuần tra Cảnh sát biển kiểm soát thực hiện theo trình tự của pháp luật, chúng tôi sẽ tiến hành các khâu như kiểm tra, khi có dấu hiệu tội phạm phải kiểm soát, trấn áp. Việc này phải tuỳ theo từng tình huống, trường hợp cụ thể.

Thẩm quyền của chúng tôi đến đâu thì xử lý đến đó, ví dụ như có những cái liên quan đến Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV), một số tàu (bị Cảnh sát biển bắt giữ - PV) thì các anh (TKV- PV) khẳng định thủ tục là đúng, cho nên vấn đề này còn phải chờ UBND tỉnh Quảng Ninh, các Bộ liên quan xác định.

Khi chúng tôi đi xác minh, họ (TKV- PV) khẳng định đúng thì chúng tôi cũng phải thả tàu ra... Những vấn đề này chúng tôi có văn bản đầy đủ từ khi lập hồ sơ, các tình tiết đều đưa vào trong văn bản"

Đăng Trường
.
.
.