Nghịch lý trong hoạt động cho vay vốn ngân hàng:

Lãi vay ưu tiên, ưu đãi cao hơn lãi suất cho vay thương mại

Thứ Ba, 10/09/2013, 07:52
Khi lãi suất cho vay thương mại tại nhiều ngân hàng đã giảm liên tục, thì lãi suất cho vay với các gói tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cho vay với 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn gần như không được các ngân hàng điều chỉnh. Tình trạng này đang tạo ra một nghịch lý: Lãi suất tín dụng với các lĩnh vực ưu tiên, đối tượng ưu đãi cao hơn lãi suất cho vay thương mại.

Cụ thể, đã có một loạt các ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Agribank... giảm sâu lãi suất huy động bằng cách tung ra các gói tín dụng với lãi suất 8,5% hoặc 7,77% và thậm chí là 7,5%/năm. So với mặt bằng cho vay ưu tiên, ưu đãi hiện tại hoặc so với lãi suất huy động đang ở mức 8,5%/năm cho các kỳ hạn trên 1 năm, mức lãi suất cho vay trên là khá thấp. Trong khi đó, lãi suất cho vay với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang còn ở mức 0,65%/tháng, tức 7,8%/năm; hộ cận nghèo phải vay ở mức 10,14%/năm.

Với 5 lĩnh vực được ưu tiên vay vốn sản xuất kinh doanh, riêng ở TP Hồ Chí Minh, dù đến hết tháng 7 các ngân hàng thương mại đã cho vay ra được trên 110 ngàn tỷ đồng, thì lãi suất cho vay hầu hết vẫn giữ ở mức trên 10%/năm.

Cùng với lộ trình giảm lãi suất cho vay thương mại, hiện lãi suất huy động cũng được nhiều ngân hàng đồng loạt giảm xuống. BIDV giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng xuống còn 5%/năm; Vietcombank, Agribank và một số ngân hàng khác cũng cùng lúc áp dụng mức lãi suất huy động này. Tại VietinBank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng cũng đã giảm xuống chỉ còn 6%/năm… Nhưng huy động tiền gửi tiết kiệm từ dân cư tại địa bàn lớn như TP Hồ Chí Minh vẫn tăng liên tục qua từng tháng. Trong đó kênh gửi tiền vào các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn được nhiều người gửi tiền lựa chọn hơn khối ngân hàng cổ phần nhỏ.

Nhóm ngân hàng quốc doanh có nhiều nguồn huy động vốn để làm cơ sở giảm lãi suất. Ảnh: Thiện Hoàng.

Tiền huy động dồi dào, nhưng theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các ngân hàng quốc doanh còn có nhiều nguồn vốn rẻ khác như tiền gửi của kho bạc, bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tiền gửi; tiền gửi thanh toán của các doanh nghiệp Nhà nước… Vì vậy, khối ngân hàng mạnh này mới mạnh dạn giảm lãi suất đi vay và cho vay thấp hơn các ngân hàng nhỏ. Huy động ít, song các ngân hàng cổ phần nhỏ lại có tỷ lệ cho vay ra cao hơn hẳn so với ngân hàng thương mại Nhà nước khiến nhiều ngân hàng cạn vốn.

Riêng ở TP Hồ Chí Minh, đến cuối tháng 7, lượng vốn nhóm các ngân hàng cổ phần nhỏ cho vay ra tăng đến 2,57% so với cùng kỳ. Vốn cạn nên hiện chưa có ngân hàng cổ phần nào dám đua theo khối ngân hàng quốc doanh trong việc giảm sâu lãi suất huy động và cho vay. Ngân hàng nhỏ mới chủ yếu đưa ra các chương trình khuyến mãi để chèo kéo khách đến gửi tiền.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, hiện vẫn còn tới hơn 10 ngân hàng nhỏ thiếu vốn, vì vậy các ngân hàng thuộc nhóm này vẫn phải duy trì lãi suất huy động và cho vay cao. Mặt khác, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng từ đầu năm đến nay vẫn ở con số khá thấp, ngay như Eximbank, một ngân hàng mạnh về tài trợ xuất, nhập khẩu, thì tăng trưởng tín dụng cũng chưa vượt qua con số 1%. Với Sacombank, tuy đã đạt hơn phân nửa mục tiêu doanh thu cả năm; mức tăng trưởng tín dụng đạt 11%, thì các ngân hàng cũng đều phải tập trung lo gom đủ doanh thu để hoàn thành kế hoạch năm. Áp lực này càng khiến chuyện tự nguyện giảm lãi suất với các khoản cho vay ưu tiên ưu đãi cũ là điều khó khăn.

Mặt bằng lãi suất đang có sự chênh lệch khá mạnh cả về huy động lẫn cho vay giữa các ngân hàng. Tuy không gây xáo trộn nhiều, song lãi suất tín dụng ưu đãi đang cao hơn lãi suất vay thương mại lại dẫn đến tình trạng khó giải ngân vốn vay ưu đãi. Tình trạng này càng tác động đến cơ hội tiếp cận vốn vay ngân hàng của DN sản xuất kinh doanh trong 5 lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời cơ hội vay vốn của người nghèo lại càng thêm khó. Phản ứng trước thực trạng này, đại diện một số ngân hàng nhỏ đã cho rằng: Việc ngân hàng quốc doanh giảm sâu lãi suất là hoàn toàn hợp lý. Song không nên áp đặt mức lãi suất này cho toàn hệ thống. Tuy vậy, vấn đề giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, mới với những lĩnh vực ưu tiên, ưu đãi để giải tỏa nghịch lý vay vốn ưu tiên, ưu đãi lãi cao hơn vay thương mại hiện vẫn bị nhiều ngân hàng lớn, nhỏ phớt lờ

Đ.Thắng
.
.
.