Lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay có thể giảm

Thứ Hai, 24/02/2014, 09:54
Đây là nhận định của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng về công tác điều hành lãi suất trong năm 2014.

Là kênh đầu tư sinh lời cho đồng tiền nhàn rỗi, lãi suất huy động luôn được người gửi tiền mong muốn đứng ở mức cao, trong khi đó, để giảm giá thành sản phẩm, các doanh nghiệp (DN) lại chỉ mong lãi suất cho vay giảm sâu hơn nữa. Để hài hòa lợi ích ba bên: Ngân hàng (NH), người gửi tiền và DN vay vốn, NHNN đã và đang tìm hướng điều hành lãi suất tiền tệ thích hợp nhất.

Theo số liệu từ NHNN, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, DNNVV ở mức 7-9%/năm. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và khoảng 11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất huy động của các NHTM Nhà nước và một số NHTM khác ở mức thấp hơn trần lãi suất quy định của NHNN. Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến như lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1-1,2%/năm. Từ 1 đến dưới 6 tháng là khoảng 5-7%/năm và trên 12 tháng khoảng 7,5-8,5%/năm.

Nếu thuận lợi, lãi suất cho vay có thể giảm từ 1-2%. (Ảnh minh họa).

Để nắm rõ nguyện vọng của DN, thời gian qua, Ban lãnh đạo NHNN đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố, cùng NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố làm việc với lãnh đạo địa phương, đối thoại với các DN và các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.

Điểm đáng chú ý là nhiều DN vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm, các NHTM đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện xét tín dụng. “Những vấn đề này chúng tôi cũng mong muốn và hướng đến. Nhưng NH cũng là DN, nếu chi phí huy động vốn chưa giảm nhiều thì cũng rất khó để giảm lãi suất cho vay thêm. Bởi vậy việc tiếp tục giảm lãi suất còn phụ thuộc giá vốn và khả năng tài chính của từng TCTD. Hơn nữa, kinh doanh tiền tệ có độ rủi ro cao hơn các lĩnh vực kinh doanh khác, nên việc kiểm soát phải chặt chẽ, tín dụng không thể hạ chuẩn để đảm bảo những yêu cầu trong an toàn hoạt động. Vì vậy, NH tiếp tục tin tưởng DN và hai bên cùng tìm ra các biện pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, nút thắt vốn của DN bây giờ không nằm ở lãi suất, vì mức lãi suất hiện nay đã về ngang bằng với thời điểm năm 2004-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của NH, người vay và người gửi tiền. Còn việc có giảm lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng NH cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng. “Chúng tôi cho rằng, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các TCTD có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm”, bà Hồng lạc quan.

Riêng với lãi suất tiền gửi, NHNN cho rằng với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng là 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Đồng thời, đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các TCTD có thể căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp. Nếu như trước đây, TCTD thường ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay nhiều TCTD ấn định lãi suất thấp hơn mức trần, đối với các TCTD có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động sát mức trần

Nhóm PV
.
.
.