Lãi suất giảm, chênh lệch huy động - cho vay vẫn lớn

Thứ Năm, 31/10/2013, 08:55
Ngân hàng vẫn hưởng lợi lớn từ chênh lệch lãi suất - đó là ý kiến đã được các đại biểu đưa ra tại buổi tọa đàm “Nhìn lại điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 2011- 2013” tổ chức ngày 30/10.

Báo cáo của Vụ Chính sách Tiền tệ - NHNN cho biết, từ đầu năm 2012, cơ quan này đã 8 lần liên tiếp giảm các lãi suất chủ chốt, nhằm mục đích giảm lãi suất cho vay. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm khoảng 9-12%/năm so với thời điểm giữa năm 2011 và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005 - 2006, thấp hơn năm 2007. Trong đó, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ở mức 9 - 11%/năm, trong đó, đối với khách hàng tốt lãi suất cho vay chỉ từ 6,5-7%/năm. Đặc biệt tỷ trọng của các khoản vay có lãi suất trên 13%/năm chiếm khoảng 25,7%, giảm mạnh so với mức 66,6% cuối năm 2012.

Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng theo nhiều chuyên gia kinh tế, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động vẫn ở mức cao. Ông Lê Xuân Nghĩa, người từng giữ vị trí là Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã dẫn lại một kết quả nghiên cứu của chính nơi ông từng công tác: “qua khảo sát 8 ngân hàng thương mại lớn, mức chênh lệch lãi suất bình quân ghi nhận được là 4,3% - 4,5%; có một số ngân hàng có mức chênh lệch lãi suất lớn hơn nhưng không đến 5%/năm”.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright thì chênh lệch lãi suất tiền gửi và tiền huy động vẫn có thể lên tới 6%/năm. Tuy nhiên, từ phía “người trong cuộc”, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, người từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) lại khẳng định, mức chênh lệch lãi suất đó là chưa trừ đi các chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên và chi phí quản lý… “Nếu trừ đi các chi phí, chênh lệch lãi suất chỉ khoảng 1,3% - 1,8%/năm, thậm chí chỉ còn 1,1%/năm. Cụ thể tại NH Eximbank, chênh lệch lãi suất hiện nay theo ông chỉ ở khoảng 2,8%/năm”, ông Phước nói.

Theo các chuyên gia kinh tế, thực ra, việc chênh lệch lãi suất huy động và cho vay trong lĩnh vực ngân hàng là điều bắt buộc, dù trong thời điểm kinh tế khó khăn nhất, vì nó quyết định sự sống còn của ngành Ngân hàng. Tuy nhiên, chênh lệch bao nhiêu là vấn đề cũng cần phải bàn. Đặc biệt, trong một môi trường rủi ro gia tăng, việc ngân hàng vẫn nới rộng khoảng cách chênh lệch là một điểm nên cân nhắc. “Đáng lẽ, phản ứng trước môi trường rủi ro thì ngân hàng phải nâng chuẩn tín dụng, phải yêu cầu nhân viên của mình thẩm định chuẩn hơn, khắt khe hơn, chứ không thể “vẫn cho vay và giữ biên độ lãi suất lớn”, một chuyên gia kinh tế nêu ý kiến

Hà An
.
.
.