Lại bàn chuyện sản xuất sạc pin cho Samsung, băng dính cho Canon

Chủ Nhật, 28/09/2014, 12:15
Một sự trùng hợp khá thú vị khi cùng trong buổi sáng 25/9 vừa qua, Bộ Công Thương tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định về công nghiệp hỗ trợ, và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng tổ chức lễ công bố chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản; và tại cả 2 cuộc họp này, nỗi trăn trở vì nền sản xuất yếu kém, nhập từ bu lông, đinh ốc đến băng dính… đều trở thành chủ đề chính.

Các doanh nghiệp (DN) trong nước hiểu rằng thời gian cho mình tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu không còn nhiều khi lộ trình giảm thuế ồ ạt sắp tới, trong khi chặng đường phía trước xem ra vẫn quá gian nan.

Trước hết phải nói rằng, không phải giấc mơ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu đến bây giờ mới xuất hiện, mà đã có từ hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trong hàng chục năm đó, chỉ có duy nhất 1 DN được hưởng hỗ trợ, do các quy định quá thiếu cụ thể và thủ tục thì quá… lằng nhằng. Do đó, với dự thảo Nghị định lần này, các DN kiến nghị phải thật cụ thể và rõ ràng.

Sau câu chuyện sạc pin, đinh ốc của Samsung, thì đại diện Canon Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam từ 2001, tỷ lệ nội địa hóa hiện lên đến 65%. Công ty đã gửi nhiều giới thiệu để thu hút các DN Việt Nam đầu tư vào nhưng đến nay chưa thành công. Hiện mới có linh kiện điện tử, chưa có linh kiện bán dẫn và các thiết bị kết nối. DN thường phải nhập từ nước ngoài về từ cán cuộn hay linh kiện đai... Bao bì đóng gói sản phẩm thì cũng đã có DN Việt Nam cung ứng được, nhưng vẫn có chi tiết linh kiện Canon phải nhập khẩu như băng dính dùng để đóng gói sản phẩm”.

Một số DN trong nước đang lúng túng trong việc nâng cao năng lực sản xuất.

Không có tiền đã là một nhẽ, vấn đề hiện nay của các DN Việt Nam là không có công nghệ, không có khách hàng… tóm lại hoàn toàn không biết bắt đầu từ đâu. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng, nếu có liên doanh với DN FDI có công nghệ gốc, DN Việt Nam có thể học rất nhanh và dần dần biến nó thành của mình. Tuy nhiên, hiện nay DN nước ngoài vào Việt Nam rất ít liên doanh, hầu như là 100% vốn của nước ngoài. “Điều này cũng dễ hiểu, tất cả chỉ là bài toán lợi ích. Trước đây họ còn xa lạ, chưa thông thổ thì chọn liên doanh, nay thì họ đầu tư một mình. Tôi đã hỏi mấy ông Hàn Quốc rồi, mấy ông nói không liên doanh, vì công nghệ gốc họ phải nắm chặt, không chia sẻ, kể cả với các DN Hàn Quốc khác. Tôi muốn biết các DN Nhật Bản có liên doanh không, bởi theo kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc với các bạn Nhật Bản, tôi rất trân trọng thiện chí và thái độ của các bạn. Quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam xưa nay rất tốt. Hi vọng nếu có liên doanh thì người Việt Nam học hỏi rất nhanh”, ông Toàn bày tỏ trong buổi công bố chiến lược công nghiệp hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Toma Masaki, đại diện Đại sứ quán Nhật đã thẳng thắn cho biết, cơ hội liên doanh với DN Nhật Bản cũng hầu như bằng 0. “Đến giờ phút này, các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản sang Việt Nam như Canon, Panasonic... đều là công ty 100% vốn nước ngoài, các DN cung cấp phụ kiện cũng vậy. DN Nhật Bản nghĩ đến liên doanh khi họ tập trung vào thị trường trong nước, nhưng hiện họ đang xuất đi, vì vậy liên doanh rất ít”. Mặc dù có “mở” một khả năng: “thời gian tới, thu nhập người Việt Nam cao hơn, có nhu cầu sử dụng sản phẩm của DN Nhật Bản, thì họ có thể nghĩ đến liên doanh”, nhưng ông Masaki cũng khẳng định điều này “hoàn toàn phụ thuộc vào DN”. Một yếu tố bất lợi khác với các DN Việt Nam là hiện chúng ta đang trên lộ trình giảm thuế phí rất mạnh, nên “một số DN có xu hướng thay vì sản xuất ở Việt Nam, sẽ nhập khẩu từ các nước láng giềng ASEAN”. Cơ hội của các DN trong nước thực sự không còn nhiều, khi từ nay đến 2018 chỉ còn là một cái chớp mắt đối với sản xuất công nghiệp

Ông Nguyễn Phước Hải, Tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử Việt Nam bày tỏ mối quan ngại thực sự: DN FDI có yêu cầu rất cao, trong khi chúng ta rất thiếu thông tin. “Như cuộc gặp gỡ vừa qua với Samsung, họ chốt một câu là cái kết đối với tất cả DN Việt Nam: giá phải rẻ hơn của Trung Quốc thì mới mua. Nhưng chúng ta có biết họ mua 1 cái cáp điện tử của Trung Quốc giá bao nhiêu không? Nếu không biết thì làm sao mà lập kế hoạch, chiến lược. Cái chúng tôi cần nhất là thông tin, và phải là thông tin cụ thể. Vậy chúng tôi hỏi đâu? Nếu không làm được điều này, có 10 hay 20 hội thảo nữa cũng thế thôi, vẫn chỉ sơ sài vài gạch đầu dòng về nguyên lý”

V.Hân
.
.
.