Thuốc lá lậu, chống được không?

Kỳ cuối: Kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi vận chuyển 500 bao thuốc lá nhập lậu

Thứ Năm, 12/11/2015, 08:29
Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, lượng thuốc lá lậu vào Việt Nam mỗi năm khoảng 1 tỷ gói (ước chiếm khoảng 25% thị phần nội địa), song tỷ lệ thuốc lá lậu bị bắt giữ chỉ chiếm 0,9% so với con số đó.


Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014, các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng Công an đã tập trung, thực hiện quyết liệt các hoạt động phòng, chống buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc lá một cách kiên quyết, triệt để ở tất cả các địa phương, từ khu vực biên giới cho tới các cửa hàng bày bán thuốc lá lậu trong nội địa, song tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp. 

Hiệp hội thuốc lá Việt Nam cho biết, lượng thuốc lá lậu vào Việt Nam mỗi năm  khoảng 1 tỷ gói (ước chiếm khoảng 25% thị phần nội địa), song tỷ lệ thuốc lá lậu bị bắt giữ chỉ chiếm 0,9% so với con số đó.

Tại Long An, tình hình buôn lậu thuốc lá sở dĩ được kéo giảm đến 40 - 50% so với trước đây, theo ông Đặng Văn Lớp - Giám đốc Sở Công thương tỉnh là do lực lượng chống buôn lậu của QLTT, Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng đã phối hợp chặt chẽ trong việc kiểm tra, xử lý. Giữa các lực lượng có xây dựng các quy chế nhằm tăng sức mạnh tổng hợp nhưng không chồng chéo. Công tác quản lý biên giới, hoạt động xuất nhập cảnh, kiểm soát hải quan tại khu vực biên giới đảm bảo thông thoáng nhưng chặt chẽ.

Đoàn xe máy vận chuyển thuốc lá lậu vào vùng biên giới Tây Nam.

Cái khó mà lực lượng chức năng gặp phải chính là chủ hàng lậu không tham gia vận chuyển. Khi nông nhàn, nhiều nông dân lại đi vận chuyển thuốc lá lậu thuê. Một người mặc bộ quần áo “đặc chủng” có thể nhét 40-50 cây thuốc lá”. Bắt người vận chuyển là mới “hớt” phần ngọn. Giải pháp căn cơ là giải quyết vấn đề sinh kế cho người nghèo vùng biên giới. Bên cạnh đó, triệt phá ngay tại các điểm tập kết thuốc lá lậu sát biên giới. Nhiều ý kiến tán đồng quan điểm này, bởi một khi được quan tâm có công ăn, việc làm ổn định, người dân biên giới sẽ không còn tiếp tay với buôn lậu thuốc lá nữa; và có khi họ sẽ giúp lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng chống buôn lậu.

Đại tá Lê Xuân Lãng, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về kinh tế (PC46) Công an Đồng Tháp cho rằng, khung pháp lý về xử lý tội phạm buôn lậu hiện còn lỏng lẻo, khó chứng minh được yếu tố “qua biên giới”. Chế tài xử phạt hành chính theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP đối với hành vi vận chuyển thuốc lá ngoại tăng, trong khi phần lớn đối tượng vi phạm lại là dân nghèo, thất nghiệp, tài sản không có, do đó cũng không cưỡng chế thi hành được... Đại tá Trần Thanh Chàng – Trưởng Phòng PC46 Công an TP Cần Thơ cho biết, nhiều chủ xe, tủ bán thuốc lá lẻ tại TP Cần Thơ bị phát hiện có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn nên nếu vận dụng đầy đủ biện pháp chế tài đối với họ, xã hội lại thêm gánh nặng.     

Tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg, ông Đỗ Hữu Quang, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương), nhấn mạnh tới các biện pháp tuyên truyền vận động thương nhân, người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu; tuyên truyền cho người dân hiểu các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng thuốc lá lậu, thuốc lá  không rõ nguồn gốc. Ông Phạm Tứ Phương - Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Nếu dân đồng lòng tẩy chay thì ắt hẳn thuốc lá  lậu sẽ không còn đường sống”.

Để Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực sự đi vào cuộc sống, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng thu ngân sách nhà nước và bảo vệ người tiêu dùng, bên cạnh phần việc của mình với tư cách đại diện cho các doanh nghiệp trong ngành, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, trong đó có kiến nghị xem xét tăng biên chế và công cụ hỗ trợ cho lực lượng Công an, Biên phòng, Hải quan và QLTT; hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị phương tiện, biên chế cho các lực lượng trực tiếp kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu thuốc lá.

Đối với kiến nghị trích 50% Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho công tác phòng chống thuốc lá nhập lậu, lãnh đạo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết thêm: Theo quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng quỹ này với mức đóng: 1% từ 1/5/2013; 1,5% từ 1/5/2016; 2% từ ngày 1/5/2019 (tính trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của bao thuốc). 

Hiện tại mỗi năm Quỹ có khoảng 300-500 tỷ đồng, và được sử dụng toàn bộ cho các hoạt động phòng chống thuốc lá, các hoạt động truyền thông, xây dựng chính sách, tìm hiểu, khảo sát kinh nghiệm của nước ngoài…; trong khi đó Quỹ chưa được sử dụng cho hoạt động chống buôn lậu thuốc lá.

Quy định truy cứu trách nhiệm hình sự khi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu với số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do đó, các đối tượng buôn lậu đã chia nhỏ khối lượng và giao cho nhiều người khác nhau vận chuyển hoặc tàng trữ dưới mức 1.500 bao để né luật, đã gây nhiều khó khăn cho công tác truy quét, phòng chống buôn lậu của cơ quan chức năng và không có cơ sở để xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu.

Thời gian qua số vụ buôn lậu thuốc lá chỉ bị xử lý hình sự chiếm 0,95% tổng số vụ bị bắt giữ. Chính từ thực tế này, Hiệp hội đã kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thay vì mức 1.500 bao như hiện nay để tăng tính răn đe của pháp luật.

Trước đây thuốc lá lậu chủ yếu là HERO, JET (giá khoảng 14.000 - 18.000đ/bao) nhưng thời gian qua đã xuất hiện nhiều loại TL lậu giá rẻ, chất lượng kém như: League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson (giá từ 2.700 đồng – 4.000 đồng/bao), Mine, Gem (4.000đ), Golden Deer (5.000đ), Elephant (5.500đ)…
TH. Bình – B. Hòa
.
.
.