Kỳ 3: “Chua” quá… đường ơi

Thứ Sáu, 27/11/2015, 09:02
Gần một tuần có mặt tại biên giới Tây Nam vào “mùa buôn lậu”, chúng tôi mới cảm nhận đầy đủ về sự vất vả của lực lượng làm nhiệm vụ, trong đó có lực lượng Công an. Nhìn từ mặt trận chống buôn lậu (BL), cả tuyến biên giới chưa một ngày bình yên.


Tại Đồng Tháp, phía ngoại biên đối diện, nhiếu nhất là dọc theo sông Sở Thượng, cách biên giới chỉ khoảng 50m có hơn 20 kho, điểm chứa đường cát, ngày đêm chờ cơ hội tuồn vào nội địa với đủ mánh khóe.

Hôm chúng tôi đến huyện biên giới An Phú cũng là lúc cơ quan CSĐT (PC46) Công an tỉnh An Giang đang tập trung làm rõ hành vi BL của các đối tượng có liên quan trong vụ vừa bị triệt phá với tang vật lên đến 100 tấn đường cát (1.961 bao, loại bao 50kg). Vụ án được triệt phá vào đêm trung tuần tháng 9-2015. Lực lượng Công an phối hợp đã bắt quả tang đối tượng H.V.P. (ngụ xã Khánh Bình, huyện An phú) dùng 2 ghe máy để vận chuyển 105 bao đường cát Thái Lan từ Campuchia qua kho của cơ sở kinh doanh Vĩnh Hưng (xã Khánh An, huyện An Phú). 

Trong kho Vĩnh Hưng lúc này đang chứa 794 bao đường. Lần theo dấu vết của đối tượng, tiếp tục kiểm tra 3 kho hàng tại xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú, An Giang) và cơ sở kinh doanh đường của N.Đ.N. (ngụ phường Châu Phú A, TP Châu Đốc), cơ quan điều tra thu giữ một lượng hàng lậu khá lớn, trong đó có 885 bao đường cát, 15 bao gạo Thái Lan, 10 bộ máy điều hòa, một ôtô BKS 51B-179.52 và nhiều bao bì nhãn hiệu các nhà máy đường trong nước. 

Cùng thời điểm, lực lượng phối hợp chặn bắt 2 ôtô tải BKS 67C-043.54 và 67C-037.33 đang trên đường vận chuyển 177 bao đường cát lậu từ kho của cơ sở Vĩnh Hưng và kho tại số nhà 644, ấp Mỹ Chánh, xã Mỹ Đức  đi tiêu thụ.

Lực lượng QLTT và Công an kiểm tra một kho đường ngoại nhập lậu.

Theo thống kê của PV Báo CAND, tính từ đầu năm 2015 đến trung tuần tháng 11-2015, các lực lượng chống BL của tỉnh An Giang đã bắt giữ trên 500 tấn đường cát Thái Lan nhập lậu. “Đây là con số không lớn nhưng cho thấy sau khi trùm buôn lậu Tỷ Đường cùng một số tay chân bị bắt, thu giữ cả ngàn tấn đường cát ngoại nhập lậu, các đối tượng BL đường đã tạm nằm im và gần đây đã hoạt động trở lại với thủ đoạn tinh vi hơn” – một thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang nhận định.  

Thủ đoạn mới nhất – tính đến thời điểm này, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang – ông Đinh Văn Tươi là đối tượng BL đã chế biến đường cát nhập lậu thành đường phèn mang nhãn mác Việt Nam để dễ dàng vận chuyển về nội địa tiêu thụ. Thủ đoạn này vừa bị lực lượng Công an tỉnh An Giang lật tẩy, bắt, tịch thu 9.480kg.

Tại biên giới Đồng Tháp, các đối tượng chủ động hòa đường vào nước từ trước khi cho hàng “vượt biên”. Ông Nguyễn Chí Bắc – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Những thủ đoạn mới này lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Và khi phát hiện cũng chưa biết xử lý như thế nào”.

Thượng tá Nguyễn Văn Thu - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Long Bình (An Giang) cho biết, trước đây, đường cát nhập lậu qua biên giới, chủ hàng mới đóng vào bao bì sản xuất trong nước, hoặc bao bì không nhãn mác. Gần đây, đường cát trước khi nhập vào, chủ hàng đã chuyển các bao bì của các nhà máy đường sản xuất trong nước sang đóng bao ở bên kia biên giới, với đầy đủ hóa đơn chứng từ của các nhà máy đường, cho nên lực lượng chức năng rất khó xử lý.

Cũng tại biên giới An Giang, các đối tượng BL đường chuyên nghiệp còn dùng bao tải in dòng chữ “gạo sạch” để chứa đường lậu; đồng thời luôn thay đổi địa điểm tập kết hàng nhằm đối phó với lực lượng chống BL. 

Thiếu tá Lê Trung Ái – Phó trưởng Công an huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cho biết, một trong những cái khó mà lực lượng Công an gặp phải chính là quan điểm xử lý vụ việc liên quan đến BL còn thiếu tính thống nhất giữa một số địa phương. Để buộc tội đối tượng buôn lậu đường cát, có nơi yêu cầu phải có kết qủa giám định để xác định tang vật có phải là đường “ngoại” nhập lậu hay không. Thực tế gần như không có sự khác nhau về thành phần trong hai mẫu đường giữa đường “ngoại” và đường “nội”. Có khác nhau chỉ là bao bì bên ngoài.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), lượng đường cát nhập lậu khiến Nhà nước thất thu mỗi năm ít nhất 700 tỷ đồng, trong đó khoảng 5% thuế nhập khẩu (khoảng 250 tỷ đồng), và mất 5% thuế VAT (250 tỷ đồng), đồng thời các đối tượng BL còn tránh được hàng trăm tỷ đồng tiền thuế thu nhập DN. Ngoài ra, nông dân trồng mía của cả nước cũng là người chịu thiệt hại nặng do ngành đường trong nước không cạnh tranh lại đường Thái.

Thái Bình - CTV
.
.
.