Kinh tế phục hồi, hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh

Thứ Tư, 05/08/2015, 08:53
Kinh tế phục hồi, hộ gia đình tăng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) tại Báo cáo tình hình kinh tế tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 vừa được phát hành. Theo đó, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% (so với cùng kỳ năm trước).

Với đà phục hồi trên, UBGSTCQG dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%. UBGSTCQG dẫn số liệu 7 tháng đầu năm, ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì, lạm phát thấp và ổn định. 

Lạm phát CPI tháng 7 ước tăng 0,68% so với cuối năm 2014; CPI bình quân 7 tháng đầu năm tăng khoảng 8,6% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản là 2,42%. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 5 tháng gần đây. UBGSTCQG dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% .

Theo phân tích của UBGSTCQG, tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 7 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP ước tăng 9,9% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2014 (6,2%). 

Bên cạnh đó, hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt; nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu giảm so với 6 tháng đầu năm. Khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi khá, tăng trưởng về quy mô tốt nhất kể từ năm 2009. Quy mô khu vực doanh nghiệp phi tài chính tại quý I/2015 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Tổng doanh thu bình quân, tổng tài sản bình quân và vốn chủ sở hữu bình quân toàn khu vực trong quý I năm 2015 lần lượt tăng 49,29%; 86,31% và 79,69% so với cùng kỳ năm 2014; mức cao nhất kể từ quý I/2009. 

Trước những dấu hiệu tích cực từ những yếu tố kinh tế vĩ mô, như GDP tăng trưởng khá, lạm phát thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp phi tài chính đang dần ổn định hơn. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ kể từ cuối năm 2014. 

Đáng chú ý, tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Số liệu cho thấy tiêu dùng tăng trưởng tốt. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2015 ước tăng 9,9%, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 6,3%), mức cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm gần đây. 

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng – CCI do ANZ công bố, tại tháng 7/2015 ở mức 138,6 điểm, giảm 4,5 điểm so với tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2014 là 7,6 điểm, và cao hơn mức trung bình của năm 2014 (trung bình năm 2014 là 133 điểm). 

Một yếu tố tích cực nữa đó là so với cùng kỳ, 6 tháng năm 2015 đầu tư khu vực tư nhân tăng 11,4%, là mức tăng cao nhất so với các khu vực còn lại của nền kinh tế.  Tính đến 20/7, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 3,15%). Theo khảo sát tại quý II/2015 của UBGSTCQG, hộ gia đình có xu hướng đầu tư vào sản xuất trở lại kể từ quý I/2014. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế vẫn còn một số khó khăn. Tháng 7/2015, phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) chỉ đạt 34% so với kế hoạch cả năm. Lũy kế 7 tháng phát hành TPCP vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu TPCP trong tháng 7 cải thiện hơn. Thu ngân sách (đến 15/7) đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%). Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn; thu từ dầu thô giảm (-32,5%) so với cùng kỳ. 

Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, dự báo thu ngân sách đạt dự toán. Đối với mục tiêu điều hành tỷ giá, trong nước, do yếu tố mùa vụ, nên nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao; đặc biệt trong bối cảnh sản xuất phục hồi tốt, khu vực doanh nghiệp mở rộng quy mô...

Lệ Thúy
.
.
.