Kinh tế đang từng bước tăng trưởng bền vững

Thứ Bảy, 03/07/2010, 09:25
Trong hai ngày 1 và 2/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6/2010 bàn và quyết định về nhiều nội dung quan trọng. Theo đánh giá chung của các thành viên Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đang phát triển theo chiều hướng tích cực.

Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát đang được thực hiện có kết quả. Thu ngân sách đạt tiến độ cao hơn so với cùng kỳ năm trước; huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển tiếp tục có chuyển biến tích cực; lãi suất huy động và vay vốn ngân hàng đã giảm nhẹ, dư nợ tín dụng tăng cao hơn trong các tháng gần đây; xuất khẩu tiếp tục được cải thiện, nhập siêu có xu hướng giảm; lạm phát được kiềm chế trong giới hạn cho phép.

Nền kinh tế phục hồi khá nhanh với mức tăng trưởng cao hơn so với kế hoạch cả năm; dịch vụ tăng trưởng khá, thị trường trong nước phát triển sôi động… tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và du lịch đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; nông nghiệp phát triển khá ổn định. An sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững; các lĩnh vực văn hóa xã hội được quan tâm và phát triển tốt.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp (Ảnh: TTXVN).

Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhận định, nền kinh tế còn một số vấn đề tồn tại, khó khăn như: Nhập siêu vẫn ở mức cao; giá trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng; lãi suất tín dụng còn cao; tình trạng thiếu điện ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp… là những khó khăn thách thức cần có biện pháp khắc phục trong 6 tháng cuối năm 2010.

Về kết quả cụ thể, trong 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,16% (GDP quý II-2010 tăng 6,4%). Trong đó, sản xuất công nghiệp tháng 6 ước tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2009 và cao hơn mức kế hoạch cả năm. Tháng 6 lạm phát đã được kiềm chế rõ rệt hơn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 so với tháng 5/2010 tăng 0,22%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2004 trở lại đây. Đây là kết quả đáng khích lệ của việc thực hiện các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 18/NQ-CP của Chính phủ, nhất là trong bối cảnh giá cả trên thị trường thế giới, giá đầu vào sản xuất tăng lên và thực hiện tăng lương tối thiểu từ ngày 1/5/2010.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp đã đề ra để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa trong những tháng còn lại của năm 2010. Trong đó, yêu cầu phải tập trung cao nhất việc kiểm soát giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, kiềm chế tốt lạm phát, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng cao, thực hiện các mục tiêu Quốc hội đã đặt ra cho năm 2010 về chỉ tiêu tăng trưởng GDP và kiềm chế lạm phát.

Về các khoản nợ của Vinashin, tại cuộc họp báo Chính phủ cuối chiều qua 2/7, trước câu hỏi của báo chí rằng thời gian qua Chính phủ có ưu ái Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) không? Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn khẳng định: Các ngành nghề của Vinashin là ngành nghề trọng điểm có được Chính phủ hỗ trợ, nhưng không hề có ưu ái nào cho Vinashin.

"Vinashin cũng như bất cứ doanh nghiệp nào khác, hoạt động theo quy định pháp luật. Tiền vay ngân hàng thì phải sử dụng cho tốt" - Phó Chủ nhiệm Phạm Viết Muôn nhấn mạnh.

Cũng theo đồng chí Phạm Viết Muôn, để xảy ra tình trạng hiện nay của Vinashin có nguyên nhân bên ngoài, đó là khủng hoảng kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước, nhưng có nguyên nhân bên trong mà nguyên nhân bên trong mới là quyết định đến tình hình hiện nay. Vinashin sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân lãnh đạo Vinashin cũng như các đơn vị thành viên, xem trách nhiệm cụ thể của ai. Trước tình hình nợ nần, đầu tư kém hiệu quả hiện nay của Vinashin, đồng chí Phạm Viết Muôn khẳng định: Nếu lãnh đạo Vinashin chỉ nói xin lỗi là không được, vì ở đây còn là trách nhiệm với nhân dân.

Hiện vốn điều lệ của Vinashin là khoảng 9.000 tỉ đồng, nhưng tổng dư nợ của Vinashin lên tới hơn 80.000 tỉ đồng. Phó Chủ nhiệm VPCP Phạm Viết Muôn cho biết: Sau tái cơ cấu, nợ của Vinashin chuyển sang các ngành khác là Tổng Công ty Hàng hải và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tính sơ bộ là trên 20.000 tỉ đồng, đi kèm theo tài sản chuyển giao.

Theo đồng chí Phạm Viết Muôn, kinh nghiệm rút ra từ sự việc tại Vinashin là đồng thời với việc giao thẩm quyền, phân cấp cho lãnh đạo của các DN nhà nước, phải kết hợp kiểm tra, giám sát để nắm kịp thời, đầy đủ về tình hình để xử lý có hiệu quả ngay từ đầu.

Không còn cắt điện luân phiên từ nay đến cuối năm: Về tình hình cắt điện, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc của Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, khẳng định, từ nay đến cuối năm sẽ không để xảy ra việc cắt điện như thời gian vừa qua.

PV

B.Tuấn
.
.
.