Kinh tế Việt Nam sẽ phát triển trong sự cạnh tranh nghiệt ngã khi gia nhập WTO

Thứ Hai, 15/05/2006, 07:50
Theo tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Washington vào 22h30' ngày 13/5 (giờ Việt Nam), Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam gia nhập WTO. Có thể nói, đây là đối tác cuối cùng, và cũng là đối tác "rắn" nhất trong tiến trình đàm phán để Việt Nam gia nhập tổ chức này. Nhân sự kiện này, nhóm phóng viên Báo CAND đã có cuộc tiếp xúc với GS.TSKH. Tào Hữu Phùng, một chuyên gia kinh tế, hiện đang giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội.

Ông có thể cho biết cảm xúc của ông khi biết tin cuộc đàm phán song phương Việt - Mỹ đã kết thúc.

Cũng như tâm trạng của hầu hết người dân Việt Nam, tôi rất vui và tự hào vì cuối cùng, Việt Nam đã kết thúc được phiên đàm phán căng thẳng với Mỹ. Như vậy, Việt Nam chỉ còn chờ thời gian khoảng hai tháng để thuyết phục cả hai nghị viện Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Sau hành trình 11 năm với hàng nghìn cuộc gặp gỡ, đàm phán, Việt Nam đã gần như bước đến đích.

Theo ông, khi gia nhập WTO, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng theo hướng nào và chúng ta có những thuận lợi gì?

Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới, kinh tế Việt Nam có thể sẽ phát triển bền vững hơn do áp lực quốc tế sẽ có những đòi hỏi cao hơn. Quá trình gia nhập WTO cũng chính là một phần của chiến lược giảm nghèo; bởi lẽ sự gia nhập WTO sẽ khiến nhiều ngành phát triển xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động hơn, đặc biệt là các lao động ở nông thôn.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh là Việt Nam muốn giữ được vị trí của mình trong WTO thì chất lượng hàng hóa của ta phải tốt, phát triển kinh tế bền vững theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra. Thuận lợi lớn nhất của chúng ta là thị trường hàng hóa lưu thông hơn, rộng mở hơn. Toàn cầu hóa thị trường sẽ thông thoáng hơn, các mặt hàng của Việt Nam như dệt may, cá basa, hải sản sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập thị trường các nước. Nếu chưa vào WTO, chúng ta phải chịu hàng rào thuế quan rất lớn, nhưng khi đã là thành viên rồi, hàng rào ấy sẽ được bãi bỏ. Vấn đề quan trọng là giá cả chúng ta có cạnh tranh được không, chất lượng hàng hóa ra sao? Khi trở thành thành viên của WTO, Việt Nam sẽ là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài vì chúng ta phải có một chính sách minh bạch và ổn định trước khi gia nhập tổ chức này. Bên cạnh đó, với xu thế hình thành các khu vực mậu dịch tự do (FTA), mức độ cam kết mở cửa và hội nhập trong các hiệp định tự do thương mại song phương luôn cao hơn các hiệp định đa phương toàn cầu. Do vậy, những hiệp định thương mại tự do song phương có thể đưa Việt Nam hội nhập kinh tế sâu rộng hơn, tạo điều kiện cho chúng ta phát triển.

Bên cạnh những thuận lợi, các thách thức đang chờ chúng ta hậu gia nhập WTO là gì?

Chúng ta sẽ có nhiều khó khăn khi gia nhập WTO nhưng chắc chắn, những khó khăn này không nhiều bằng những thuận lợi. Khi gia nhập WTO, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam là phải chấm dứt sự bảo trợ của Nhà nước như độc quyền. Nhà nước sẽ chỉ bảo trợ có điều kiện và chọn lọc. Còn lại, các doanh nghiệp sẽ phải tự bươn chải, phấn đấu xây dựng thương hiệu để có sức cạnh tranh tốt như chất lượng cao, giá rẻ… Tôi nghĩ các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn ban đầu nếu họ chịu đổi mới về khoa học công nghệ, quan tâm đến sở hữu trí tuệ… Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được đối xử bình đẳng với các doanh nghiệp của các nước thành viên. Vấn đề ở chỗ nếu hàng sản xuất rẻ, chất lượng tốt thì các thị trường sẽ chấp nhận hàng hóa của anh. Việc mở cửa thị trường sẽ tạo ra một môi trường cạnh tranh gay gắt trong nước. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp. Một thách thức nữa là chúng ta phải tính đến những rủi ro như thất nghiệp vốn là một quy luật ở tất cả các nước khi đối mặt với cạnh tranh trong hội nhập.

Thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam sẽ phá sản vì không đủ sức cạnh tranh, ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra vì Việt Nam đã có Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp đều chung một sân chơi, không phân biệt doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp không cạnh tranh được thì phá sản là tất yếu. Trước đây, Nhà nước có thể bảo hộ bằng cách cấp vốn lưu động, bù lỗ, nhưng khi đã vào WTO, hoàn toàn sẽ không có chuyện bao cấp nữa. Nếu doanh nghiệp nào còn mang tư tưởng trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước thì doanh nghiệp đó sẽ tự loại bỏ chính mình ra khỏi sân chơi cạnh tranh bình đẳng.

Theo ông, trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, vấn đề Việt Nam gia nhập WTO có được đưa ra bàn thảo không?

Hôm nay (15/5) là phiên họp trù bị của Quốc hội. Nhiều khả năng vấn đề này sẽ được bàn luận. Theo tôi, Quốc hội sẽ bàn các giải pháp để có thể chủ động hơn khi gia nhập WTO như sửa đổi một số văn bản pháp luật, ban hành thêm các luật khác để phù hợp với yêu cầu cam kết quốc tế. Chắc chắn Quốc hội sẽ bàn giải quyết một số vấn đề để Việt Nam có thể gia nhập WTO nhanh nhất. Các luật của chúng ta về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của quốc tế như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Bưu chính viễn thông. Còn vấn đề gì cần phải đặt ra để gia nhập được WTO sau khi các cuộc đàm phán kết thúc thì Chính phủ sẽ báo cáo với Quốc hội để giải quyết nốt.

Sau khi gia nhập WTO, phương án tiếp theo của chúng ta là gì? Ông có lời khuyên gì đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới?

Một trong những việc chúng ta cần làm ngay là phải xây dựng được đội ngũ lao động chất lượng cao và một đội ngũ chuyên gia về WTO. Môi trường pháp lý của Việt Nam cũng cần được cải cách để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của WTO. Chúng ta cũng cần chuẩn bị trước các phương án đối phó với những tác động tiêu cực có thể phát sinh đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Riêng đối với khu vực tài chính, phải xây dựng các thể chế kiểm soát, giám sát hoạt động của các thị trường tài chính, định chế tài chính và các giao dịch tài chính trên thị trường đảm bảo hoạt động lành mạnh, ngăn chặn khả năng căng thẳng tài chính cần được ưu tiên hàng đầu. Đối với các doanh nghiệp, lời khuyên của tôi là phải tự khẳng định mình. Và một trong những nguyên tắc thương mại là không được gian dối, phải xây dựng và giữ thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư cho khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được những đòi hỏi nghiêm ngặt của các thành viên WTO

Lưu Vinh - Ngọc Yến (thực hiện)
.
.
.