Kinh tế 6 tháng đầu năm: Tăng trưởng cao nhưng nội lực yếu

Thứ Tư, 01/07/2015, 06:35
Đây là nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo Diễn biến giá cả, thị thường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 và dự báo 6 tháng cuối năm, tổ chức sáng 30/6. Nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát 6 tháng đầu năm tăng thấp có mang lại niềm vui, nhưng đầy lo lắng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 6/2015 tăng 0,55% so với tháng 12/2014 và tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đây đều là các mức tăng thấp nhất của chỉ số này trong tháng 6 kể từ năm 2001 đến nay. TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đánh giá: “Tốc độ lạm phát trong vòng 1 năm qua đang có xu hướng giảm mạnh. Nền kinh tế hiện đang ở tương đối gần mức lạm phát 0%, đồng thời lại đang ở rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%”.

6 tháng đầu năm 2015, chỉ số CPI chịu sự tác động của việc tăng giá điện, tỷ giá và giá dịch vụ y tế. Theo tính toán, tỷ giá tăng 2% khiến chỉ số CPI tăng thêm 0,6% và giá điện tăng 8,42% đẩy chỉ số CPI tăng thêm 0,22%. Trong nửa đầu năm 2015, các yếu tố chi phí đẩy về cơ bản có tác động kéo lạm phát gia tăng. Do đó, tình trạng lạm phát thấp hiện nay có thể giải thích bởi nguyên nhân do tổng cầu. “Kể từ năm 2008 đến nay, tăng trưởng kinh tế luôn trong tình trạng thấp hơn mức tiềm năng (khoảng 6,5%), tức là tốc độ tăng của tổng cầu luôn yếu hơn tốc độ tăng của tổng cung. Điều này khiến chênh lệch tổng cầu – tổng cung liên tục giảm và kéo lạm phát giảm theo. Nếu tăng trưởng bằng mức tiềm năng hoặc cao hơn mức tiềm năng một chút thì kết quả sẽ tốt hơn”, TS Nguyễn Đức Độ phân tích.

TS Nguyễn Đức Độ cho rằng: “Đứng trên quan điểm tổng cầu là yếu tố tác động lâu dài và mang tính quyết định, xu hướng lạm phát giảm sẽ chỉ dừng lại khi nền kinh tế đạt mức tăng trưởng từ 6,5% trở lên. Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần đạt mức 6,5% trở lên. Nếu nền kinh tế chỉ tăng trưởng ở mức 6-6,25%, xác suất rơi vào tình trạng giảm phát là tương đối lớn”.

CPI tăng chậm trong khi nhiều chỉ số tăng trưởng tăng cao.

Đưa ra giải pháp, TS Độ cho rằng cần phải giảm được lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay. Vì nếu không, nguy cơ đà phục hồi kinh tế bị chậm lại trong tương lai gần là không nhỏ. Với mức lãi suất cho vay trung bình trên thị trường khoảng 8,5%, trong khi lạm phát chỉ ở mức 1%, mức lãi suất cho vay thực dương là 7,5%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Điều đó có nghĩa là một doanh nghiệp có hiệu quả hoạt động trung bình, lợi nhuận kiếm được từ các khoản vay thêm sẽ không đủ trả nợ lãi suất, thu hẹp quy mô sản xuất. Rõ ràng mức lãi suất cho vay thực cao như hiện nay sẽ cản trở doanh nghiệp đầu tư và mở rộng kinh doanh...

Cho rằng 6 tháng cuối năm, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn, ông Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét: Cùng với quá trình hội nhập, luồng vốn đầu tư vào Việt Nam có thể tăng nhưng Việt Nam không chủ động được lượng tiền và luồng tiền. Việc có hấp thụ được luồng tiền hay không cũng thực sự là một câu hỏi ngỏ.  Các chính sách mới được thông qua bắt đầu từ 1/7 nhưng có thực sự đi vào cuộc sống hay không là điều được đặc biệt quan tâm. Cuối cùng, cùng với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, việc thoái vốn của các doanh nghiệp trong nước đang nảy sinh nhiều vấn đề, như liệu vốn nhà nước có bị lạm dụng không… Do vậy, có 3 kịch bản cho nền kinh tế có thể được xem xét. Kịch bản thứ nhất là nền kinh tế có tất cả những yếu tố như trong 6 tháng đầu năm. Đó là kinh tế quốc tế thuận lợi, nguồn vốn vận hành vào; các doanh nghiệp trong nước trỗi dậy; các thị trường hoạt động thuận lợi… Tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,1%-6,2 thậm chí cao hơn. Lạm phát được đẩy lùi và các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt. Thị trường vốn hoạt động tốt; thị trường bất động sản khởi sắc. Khả năng này được kì vọng nhất nhưng khó nhất. Kịch bản thứ hai khi đó nền kinh tế sẽ vận hành tiệm tiến. Mức tăng trưởng chỉ dao động quanh mức 6%. Lạm phát có thể tăng cao hơn mức 6 tháng đầu năm. Kịch bản 3, các chỉ số sẽ thấp hơn 6%.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Văn Hiền -  Học viện Tài chính thì cho rằng chỉ số giá tiêu dùng những tháng đầu năm 2015 cho thấy những dấu hiệu bất thường trong nền kinh tế, CPI tăng chậm trong khi nhiều chỉ số tăng trưởng tăng cao. Nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, thách thức khi tham gia vào tiến trình hội nhập ngày càng sâu do năng lực cạnh tranh thấp, thương hiệu sản phẩm yếu và uy tín doanh nghiệp chưa có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho xuất khẩu của Việt Nam. Để đảm bảo cho nền kinh tế khởi sắc cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn cho thị trường, kích thích sản xuất, tiêu dùng mới có thể kỳ vọng những tháng cuối năm nền kinh tế có thể hồi phục vững chắc.

Lệ Thúy
.
.
.