Kinh hoàng hóa chất làm tươi thực phẩm ôi thiu

Thứ Ba, 27/03/2012, 18:30
Theo giải thích của nhân viên bán hàng chợ Đồng Xuân thì dù lòng, tràng lợn có ôi thiu, bốc mùi, chỉ cần ngâm chất “tẩy đường” vào là bay hết, thậm chí còn trắng phau, tươi rói. “Chất này có biến được thịt ôi thành thịt tươi không em?”- chúng tôi lại hỏi. “Thế thì chị phải mua săm-pết. Ra mà hỏi bà chủ ấy” - chàng trai chỉ tay ra bà chủ đang mải bán hàng.
>> Thịt lợn giảm giá mạnh vì thông tin chất tạo nạc

Sau sự cố sử dụng hóa chất tạo nạc cho lợn bị phanh phui ở tỉnh Đồng Nai, người tiêu dùng lại bàng hoàng khi trên thị trường đang bán nhiều loại hóa chất tẩm ướp biến thực phẩm ôi thiu thành tươi mới; làm trắng, giòn thực phẩm đã lên men, bốc mùi. Chỉ cần vài nghìn đồng có thể biến đống thịt bỏ đi thành thịt tươi và bán được giá gấp hàng chục lần. Sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm có thể coi là tội ác. Nhưng tại sao hóa chất trôi nổi vẫn bán công khai?

Phụ gia bán công khai

Sáng 22/3, chúng tôi đến chợ Đồng Xuân (Hà Nội) để tìm mua chất “tẩy đường” (người bán gọi là “tẩy đường” vì chất này được dùng để làm trắng, tươi thực phẩm). Được một chủ quầy hàng khô giới thiệu, chúng tôi đến ki-ốt nằm ngay ở đầu đường Nguyễn Thiện Thuật.

Vừa hỏi đến chất “tẩy đường” để tẩy lòng thiu, chủ hàng đã nói ngay: “70 nghìn một cân”. Hỏi công dụng của chất này, chủ hàng thản nhiên trả lời: “Tôi chỉ bán, không biết công dụng”. Nói rồi chủ hàng sai nhân viên mang chất “tẩy đường” ra cho khách. Đó là thứ bột mịn màu trắng, gói trong túi nilon, vỏ bao bì không có bất kỳ nhãn mác nào.

Thấy tôi phân vân, một nam nhân viên của cửa hàng cho biết: “Người ta gọi là “tẩy đường” bởi chất này làm trắng thực phẩm. Ở đây toàn bán cho người mua về ngâm hoa chuối, lòng, tràng lợn, nầm dê… Chỉ ngâm một lát là trắng phau”. “Không có nhãn mác thì biết cách pha như thế nào?” - tôi hỏi. “Chất này mạnh lắm, chỉ pha như cho mì chính thôi. Chị hòa với nước rồi ngâm thực phẩm vào”- anh này nhanh nhảu.

Theo giải thích của nhân viên này thì dù lòng, tràng lợn có ôi thiu, bốc mùi, chỉ cần ngâm chất “tẩy đường” vào là bay hết, thậm chí còn trắng phau, tươi rói. “Chất này có biến được thịt ôi thành thịt tươi không em?”- chúng tôi lại hỏi. “Thế thì chị phải mua săm-pết. Ra mà hỏi bà chủ ấy” - chàng trai chỉ tay ra bà chủ đang mải bán hàng. “40 nghìn một cân”- chủ hàng trả lời khi tôi hỏi mua săm-pết.

Ki-ốt bán chất "tẩy đường" nằm đầu đường Nguyễn Thiện Thuật, phía sau chợ Đồng Xuân, Hà Nội và gói hóa chất "tẩy đường".

Cũng là một thứ bột màu trắng, bọc trong túi nilon không nhãn mác. “Người ta hay mua chất này về ướp thịt ở hàng cơm bụi, nhưng nhiều nhất là làm nhân bánh mì tam giác. Chị bảo bánh đấy để lâu có mà thiu ngay, phải sử dụng cái này mới được” - nam nhân viên cho biết.

Hóa chất độc hại bán ngang nhiên, dễ như mua… rau ở ngay giữa trung tâm Hà Nội. Không chỉ quanh khu vực chợ Đồng Xuân, tại chợ Ngọc Hà bột săm-pết cũng bán ngang nhiên. Theo quảng cáo của người bán, chỉ cần pha một thìa bột với vài lít nước rồi phết lên miếng thịt thì có thể để được cả tuần, thậm chí nếu thịt ôi thiu sẽ biến thành thịt tươi đỏ. Loại bột này còn được dùng bảo quản hải sản để lâu không ươn, thối hoặc có mùi lạ.

Biến ôi thành tươi

Tại chợ cóc Xuân La, quận Tây Hồ, chúng tôi được một chủ quầy thịt lợn cho biết, thịt bán không hết, ế thường “tống” cho hàng cơm. Có thịt để tủ lạnh mấy ngày, mang ra chợ bán, người tiêu dùng phát hiện và không mua. Thế nên, thịt lợn ế, ôi chỉ có bán cho hàng cơm làm các món nướng, rán.

Để xem tác dụng của các loại hóa chất mà chúng tôi vừa mua hữu hiệu đến cỡ nào, chúng tôi thử pha chất “tẩy đường” vào một chậu nước. Vừa mở túi nilon, chất “tẩy đường” bay ra một mùi hôi rất khó chịu. Túi lòng lợn sau khi để 2 ngày đã bốc mùi, chúng tôi nhúng vào chậu nước pha 1 thìa chất “tẩy đường”. 30 phút sau, chỗ lòng đã trắng trở lại, nấm mốc, mùi khó chịu cũng bay hết, trông rất đẹp mắt.

Tương tự với rổ hoa chuối bị biến màu thâm sì sau khi ngâm với chậu nước đựng chất “tẩy đường” cũng trở nên trắng tinh, tươi mới. Đáng chú ý, qua “thí nghiệm” của chúng tôi cho thấy, dù để qua đêm, song số hoa chuối ngâm trong chậu nước có chất “tẩy đường” trên vẫn không hề biến sắc màu thâm.

Về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã cho biết, bột săm-pết này là một phụ gia có thành phần là kali nitrat (KN02) chỉ được phép dùng trong một giới hạn nhất định nhằm giữ cho thịt không bị chuyển vi sinh vật sinh ra độc thịt. Thịt được ướp chất này có màu tươi, đẹp mắt.

Nếu dùng một lượng nhỏ kali nitrat vào cơ thể không gây độc hại. Tuy nhiên, trong cơ thể nitrat có thể bị khử thành nitric (N02). Nitric là chất có khả năng biến hemoglobin trong máu (chất đóng vai trò vận chuyển oxy) thành chất methemoglobin (chất không có khả năng vận chuyển oxy).

Hiện nay, cả người bán lẫn người sử dụng đều không biết hướng dẫn, định lượng bởi bột săm-pết bán tràn lan không có nhãn mác, thành phần, hướng dẫn sử dụng nên cứ “tiện tay” cho bừa không đúng liều lượng. Nếu người tiêu dùng ăn phải thịt có chất săm-pết không đúng liều lượng thì hậu quả sẽ khôn lường đối với sức khỏe. Nguy cơ thường gặp nhất là hiện tượng thiếu oxy, nhất là thiếu oxy trong não, đặc biệt ở trẻ em. Nếu nhiễm độc cấp tính còn có thể gây tử vong do oxy không cung cấp đủ lên não.

Sử dụng phụ gia, hóa chất độc hại cấm để chế biến, tẩm ướp thực phẩm và bán cho người tiêu dùng là một tội ác. Những hóa chất, phụ gia này đều là hàng trôi nổi, không có nguồn gốc, xuất xứ, cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của người sử dụng. Tuy nhiên, nó vẫn mặc nhiên được buôn bán mà chưa bị “sờ gáy”.

Ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội: Công tác kiểm tra các hộ kinh doanh phụ gia thực phẩm chúng tôi vẫn tiến hành thường xuyên. Để triển khai Tháng Vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi đang tiến hành rà soát lại các hộ kinh doanh, đặc biệt ở chợ như Đồng Xuân, Bắc Qua… Chúng tôi sẽ kiểm tra ngay việc buôn bán các chất phụ gia, chất cấm dùng trong chế biến thực phẩm.

Nhóm PVĐT
.
.
.