Kinh hoàng “công nghệ” chế biến mỹ phẩm

Chủ Nhật, 16/08/2015, 09:49
Thời gian qua, tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng tung hoành trên thị trường khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng và các nhà sản xuất chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.




Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về việc phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả (từ ngày 15/7 đến 15/10/2015), trong đó có mặt hàng mỹ phẩm, vốn đang diễn biến phức tạp.

Các nhà sản xuất mỹ phẩm uy tín luôn có chỉ tiêu chất lượng nghiêm ngặt. Nhưng với mỹ phẩm giả, các đối tượng chỉ mong sao chi phí đầu vào càng thấp càng tốt, thậm chí không cần đầu tư máy móc gì, chỉ trộn những hoá chất có thể dễ dàng mua được ở các chợ bán hoá chất, sau đó đóng gói vào các bao bì có đóng mác các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng, rồi bán trên thị trường thông qua các kênh, trong đó có kênh online như Facebook, Zalo...

PGS-TS BS Lê Ngọc Diệp - Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Có trường hợp mỹ phẩm sản xuất ở Lạng Sơn nhưng khi rao bán trên mạng thì được gắn “mác” hàng của Hàn Quốc với giá từ 2-3 triệu đồng/hộp, trong khi đó giá thành của sản phẩm này chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/hộp. Nhiều trường hợp doanh nghiệp đăng ký một đằng nhưng sản xuất một nẻo, thậm chí còn cho vào các thành phần độc hại”.

Không chỉ sản xuất trong nước mà các đối tượng còn đặt làm giả ở nước ngoài, sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Khoảng giữa tháng 7/2015, cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Sản xuất thương mại mỹ phẩm Phú Thịnh (quận 6), phát hiện tại đây đang tổ chức sản xuất mỹ phẩm giả các loại.

Nguyên liệu tự pha trộn của các cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả bị lực lượng quản lý thị trường và Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra, phát hiện.

Chúng tôi thật sự kinh hoàng khi tận mắt chứng kiến các loại mỹ phẩm “cao cấp, ngoại nhập” được công ty này trộn, nấu, từ  các loại bột nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường hoặc mua tại chợ Kim Biên (quận 5). Các mẻ “mỹ phẩm” sau khi bỏ vào nồi nấu chín, được đổ ra ca inox để nguội, sau đó rót vào các vỏ hũ bằng nhựa các loại rồi dán tem, dán nhãn mác để trở thành các sản phẩm: Kem trắng da Body Whitening Sasaki Birds nest Cream, kem trắng da Body Whitening Sasaki Snail Cream (xuất xứ Nhật Bản) và Body Whitening Hikato (xuất xứ Hàn Quốc). Sau đó, công nhân dùng máy sấy tóc ép màng, tạo thành sản phẩm mới hoàn chỉnh để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) đã từng phát hiện một điểm sản xuất mỹ phẩm giả với số lượng lớn tại một căn nhà thuê trên đường Chu Văn An, phường 12, quận Bình Thạnh...

Để “sản xuất” các loại kem trắng da giả, bà Nguyễn Thị Thanh Dung, chủ cơ sở đã mua kem bột ở chợ Bình Tây (quận 6) và chợ Kim Biên về tháo ra, đổ vào thau hoặc xô, nhào trộn chung với các loại kem khác. Hỗn hợp nguyên liệu này được đưa vào máy pha trộn và máy ép ly tâm. Các loại máy này bà Dung cũng mua ở chợ Kim Biên. Mỹ phẩm giả sau khi chế biến xong được múc tay đổ vào hộp, hũ, lọ. Sau đó dán tem, nhãn các hiệu Queen perfecl, Snow girl, Cabeller, Onalyss, Snow white, Hoa Lan, Cream Vitamin Enaco, …

Các loại mỹ phẩm giả này, được chủ cơ sở chào trên mạng xã hội và giao tận nhà cho khách hàng; kiểm tra Công ty A.M (quận Thủ Đức), Chi cục QLTT Thủ Đức cũng phát hiện công ty sản xuất một số loại kem trị nám, tàn nhang, kem trắng mặt, kem dưỡng trắng tái tạo da, có hàm lượng thủy ngân cao hơn mức giới hạn cho phép từ 14-29 lần. Công ty này còn sản xuất giả một số loại mỹ phẩm ngoại các hiệu Mélau, Lisen, Tigon, Aihao (Nhật Bản)... để đưa ra thị trường tiêu thụ.

Từ ngày 22/7 đến nay, các đội QLTT đã tăng cường kiểm tra, phát hiện có 20 vụ kinh doanh mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tạm giữ 7.845 sản phẩm gắn mác Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Australia tại các chợ Bình Tây, Kim Biên, Phú Lâm và các cửa hàng trên đường phố.

Ngoài ra, Chi cục cũng đang làm rõ một công ty sản xuất mỹ phẩm tại quận Tân Bình. Khi kiểm tra công ty này, lực lượng QLTT tạm giữ 1.232kg nguyên vật liệu, 470 kg bán thành phẩm (kem tẩy tế bào chết, gel đắp mặt nạ) và 449 chai kem dưỡng thể, sữa tắm, kem tắm trắng... nghi sản xuất giả.

Thúy Hà
.
.
.