Buôn lậu chưa hạ nhiệt

Thứ Năm, 15/01/2015, 12:56
Chiều 14/1, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác quản lý thị trường năm 2015 và quán triệt chỉ thị của Thủ tướng về chống buôn lậu thuốc lá, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Tại cuộc họp, lực lượng QLTT cho biết dù số lượng vụ việc phát hiện và xử phạt tăng cao, nhưng buôn lậu vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Báo cáo do Phó Cục trưởng Trịnh Văn Ngọc trình bày cho biết: Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng cấm, nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp, hàng hóa vi phạm đa dạng, tập trung vào các loại hàng hóa có giá cả chênh lệch lớn giữa trong và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao, hoặc bị áp dụng hạn ngạch như rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, đường ăn, xăng dầu, thuốc lá, gia cầm, quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm...

Trên tuyến biên giới phía Bắc, khi lực lượng chức năng cả phía Trung Quốc và Việt Nam làm mạnh, tăng cường lực lượng kiểm tra thì buôn lậu có giảm đáng kể. Tuy nhiên, do tình trạng ùn tắc hàng hóa từ phía biên giới Trung Quốc, cùng với việc chủ hàng nâng mức chi phí cho người mang vác thuê, dẫn đến hoạt động buôn lậu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những diễn biến mới. Điển hình, Chi cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và các lực lượng chức năng bắt giữ vụ có dấu hiệu vận chuyển hàng nhập lậu, ước tính giá trị trên 10,5 tỷ đồng; Chi cục QLTT Hưng Yên bắt giữ 2 vụ có dấu hiệu vận chuyển hàng lậu ước tính giá trị trên 20 tỷ đồng; Chi cục QLTT Hà Nội bắt giữ trên 15 tấn thịt trâu đông lạnh có dấu hiệu nhập lậu.

Quản lý thị trường tuyên truyền cho người dân phân biệt hàng giả, hàng lậu.

Trên tuyến biên giới Tây Nam, các đối tượng buôn lậu đã chuyển hướng sang vận chuyển bằng đường thủy, để tránh sự kiểm tra gắt gao của các lực lượng chức năng ở các tuyến trọng điểm trên đường bộ. Ngoài ra, hàng nhập lậu qua đường biển vào thẳng TP Hồ Chí Minh cũng khá lớn. Điển hình, Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 10 container hàng nhập lậu qua cảng Sài Gòn, dưới  hình thức nhập khẩu chính ngạch, gian lận hải quan với giá trị khoảng 38 tỷ đồng. Trong năm 2014, lực lượng QLTT cả nước đã phát hiện, xử lý 16.826 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu với giá trị 191,7 tỷ đồng. So với 2013, số vụ phát hiện tăng tới 32% nhưng lại giảm hơn 14% về trị giá.

Về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại nổi lên là kinh doanh hàng đóng gói sẵn không đủ định lượng ghi trên bao bì, ghi nhãn hàng hóa sai, hoặc không đủ nội dung bắt buộc theo quy định; bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu... Vi phạm về ATTP vẫn diễn ra phức tạp, chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất thủ công, các DN hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, kinh doanh theo đơn đặt hàng, hoặc sản xuất theo mùa vụ, sử dụng công nghệ đơn giản, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; nguồn lao động không được trang bị kiến thức về ATTP; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc và không nằm trong danh mục phụ gia cho phép.

Ngoài ra, việc vận chuyển thực phẩm ôi thiu, kém chất lượng, vi phạm ATTP vẫn xảy ra, thậm chí với số lượng lớn. Chi cục QLTT TP.HCM đã bắt giữ gần 6 tấn thịt gà phế phẩm quá hạn sử dụng, biến chất; trên 3 tấn thịt chim cút làm sẵn, bốc mùi hôi thối và vụ bắt giữ 230.000 ống hóa chất kích thích tăng trưởng thực vật có nguồn gốc Trung Quốc, không được phép sử dụng. Chi cục QLTT Đồng Nai cũng đã bắt giữ 700kg thịt lợn sữa đã ngả màu nâu sẫm, bốc mùi. Chi cục QLTT Quảng Ninh bắt giữ 1,2 tấn chim bồ câu không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Trong năm 2014, hơn 59.000 vụ gian lận thương mại và vi phạm về ATTP đã bị xử lý với trị giá 121 tỷ đồng, tăng cả về số vụ lẫn giá trị vi phạm so với năm 2013.

Tịch thu trên 2 triệu bao thuốc lá lậu

Tin từ Bộ Công Thương cho biết: Trong năm 2014, riêng về thuốc lá lậu, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 13.367 lượt, xử lý 8.905 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 25 tỷ đồng, tịch thu khoảng 2 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 12 ôtô, 716 xe máy, 8 ghe, xuồng máy các loại và chuyển cơ quan Công an khởi tố 32 vụ. Từ khi triển khai chỉ thị số 30 của Thủ tướng kể từ cuối tháng 9/2014 đến nay, gần 874.000 bao thuốc lá đã bị tịch thu, xử phạt trên 10 tỷ đồng, bằng gần 1 nửa tổng số xử lý trong năm.

Nam Phương

V. Hân
.
.
.